Chủ nhật 29/12/2024 23:54
Sớm làm chủ công nghiệp quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc từ xa

Bài 2: Làm chủ công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí trong điều kiện mới

Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng - an ninh của một quốc gia.

Bởi vậy, nói công nghiệp quốc phòng mạnh tức là quốc gia có nền công nghiệp và thực lực quốc gia mạnh. Để có ngành công nghiệp quốc phòng với nòng cốt là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, một số tập đoàn mạnh như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội (Viettel) vững mạnh, những con người làm công nghiệp quốc phòng phải luôn sáng tạo, biết đột phá vào các lĩnh vực khoa học then chốt cũng như có văn hóa quản lý tiên tiến, đậm chất nhân văn, quy tụ lòng người, tạo ra sức bật mới cho ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kinh nghiệm, cách làm của nhiều nhà máy, viện nghiên cứu... ở Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đang cho thấy hướng đi đúng đắn này. Phản bác những luận điệu thù địch cho rằng, sản xuất quốc phòng làm cho đất nước nghèo đi. Các doanh nghiệp quân đội không biết cách quản lý cơ sở vật chất, làm kinh tế hay phát triển khoa học công nghệ.

Đổi mới liên tục thì mới tồn tại và phát triển

Thời gian qua, công nghiệp quốc phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quân đội.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về công nghiệp quốc phòng của các quốc gia, trong đó có nước ta. Trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ngày càng cao.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành công nghiệp quốc phòng, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Coi trọng kết hợp xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.

Lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương về cơ bản hiện nay đã nắm vững, hiểu sâu, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trong chuyến khảo sát của phóng viên tại Viện Hàng không vũ trụ (HKVT) Viettel, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, nơi được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao theo yêu cầu, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, chúng tôi thấy rõ nghị quyết đã đi tới từng cán bộ, kỹ sư, các nghiên cứu viên. Phong trào thi đua tạo ra các sản phẩm công nghệ cao giúp chúng ta tiết kiệm hàng triệu USD mua sắm; tiết kiệm nguồn lực của đất nước, đặc biệt là chúng ta đã từng bước vươn lên làm chủ các công nghệ hiện đại; công nghệ lõi để tạo bước tiến vững chắc làm chủ công nghiệp quốc phòng hiện đại.

Thực tế 5 năm qua cho thấy hướng đi hoàn toàn chính xác của chúng ta trong việc tự chủ các loại vũ khí CNC, được dự báo sẽ trở thành các loại vũ khí chủ lực trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tin vui từ Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao, đặc biệt là làm chủ các công nghệ lõi trong lĩnh vực HKVT đã chứng minh đội ngũ sĩ quan ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam.

Những thành viên của viện với sức trẻ, sự nhiệt huyết, trình độ hiểu biết, đam mê sáng tạo với triết lý làm việc đã trở thành văn hóa người Viettel “Làm việc khó, việc chưa ai làm”, đã luôn tiên phong làm chủ lĩnh vực vũ khí công nghệ cao. Bằng chứng sinh động nhất là việc vào tháng 5-2022, VTX chính thức được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho hai công trình thuộc lĩnh vực quang điện tử và công nghiệp vật liệu. Hai sáng chế quan trọng này giúp giải quyết bài toán tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo, giảm thiểu tối đa việc phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực quân sự.

Không chỉ có hai sáng kiến, số lượng các sáng chế của Viettel ngày càng tăng, bao trùm trên cả lĩnh vực quân sự, dân sự, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao của Viettel. Đến nay, Viettel đã được cấp 56 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, trong đó USPTO cấp 11 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ đã minh chứng cho năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất, chế tạo công nghệ cao. Đi lên từ nền tảng công nghệ cao vững chắc giúp VTX nói riêng, Viettel nói chung gặt hái được nhiều thành công. Bằng chứng mới nhất là 2 công trình thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Viettel cũng đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng nhà nước cao quý nhất về khoa học và công nghệ.

Nhiều người cho rằng sự thành công của Viettel là do đơn vị này có khả năng tài chính mạnh, có chính sách thu hút người tài, có văn hóa làm việc riêng biệt, có đãi ngộ tốt… tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ. Những con người chúng tôi gặp ở VTX đã kể lại những câu chuyện rất giản dị, chứng minh cho chúng tôi thấy, những thành tựu mà VTX, mà Viettel có được xuất phát từ việc luôn duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đổi mới sáng tạo. Việc luôn duy trì được văn hóa đổi mới sáng tạo trong mỗi con người ở VTX đã thu hút được những kỹ sư đầu ngành có khả năng hiểu biết và làm chủ công nghệ cao; từ đó tạo ra các nghiên cứu, sáng chế vô cùng hữu hiệu.

Trở lại câu chuyện của các kỹ sư chúng tôi gặp tại VTX, được HKVT là lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ và trình độ cao, trên thế giới chưa có nhiều quốc gia thành công. Việc tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng, bởi tính bảo mật cao, các quốc gia không chuyển giao. Để đạt được thành công trong lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách này, điều cốt lõi phải chọn được hướng đi đúng và cách làm phù hợp. Sau 5 năm thành lập, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, Viện HKVT Viettel đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao. Đến năm 2021, Viện HKVT Viettel đã hoàn thành nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng hai dòng sản phẩm chiến lược quan trọng, tiến tới đưa vào trang bị trong quân đội. Những kết quả trên đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành CNQP Việt Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Làm chủ công nghệ để sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao

Kể từ khi thành lập đến nay, VTX đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những lĩnh vực rất mới, khó và phức tạp đối với Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều dự án đã được nghiệm thu với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ các trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở lĩnh vực này. Viện HKVT Viettel (VTX) đã hoàn thành mở mới 32 nhiệm vụ khoa học công nghệ; nghiệm thu 16 nhiệm vụ khoa học công nghệ; xét công nhận và khen thưởng gần 200 ý tưởng và sáng kiến áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho quân đội nhiều tỷ đồng. VTX đã hoàn thành đăng ký bảo hộ gần 200 sáng chế, được đăng công báo sở hữu công nghệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, đơn vị đã đăng ký bảo hộ gần 20 sáng chế tại cơ quan quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ và đã có sáng chế được cơ quan này công nhận.

Để có được bảng thành tích vẻ vang ấy, các cán bộ, kỹ sư của VTX đã phải trải qua không ít khó khăn để vừa cho ra đời các sản phẩm chất lượng tốt nhất, tối ưu nhất, nhưng với chi phí phải thấp nhất. Trong cuộc trao đổi với Trung tá Hoàng Văn Đức, Trưởng phòng Chính trị VTX; Thiếu tá Bùi Văn Đồng (Trường phòng Cơ cấu chấp hành, Trung tâm Kết cấu vật liệu); kỹ sư Tuấn Anh (Trưởng phòng, Trung tâm động cơ); kỹ sư Trần Anh Đức, được biết, mỗi năm toàn bộ các sáng kiến của VTX là khoảng 500 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn, nhỏ khác nhau. Tùy theo giá trị làm lợi khác nhau mà cơ quan sẽ thưởng từ mức vài trăm nghìn đồng cho tới vài trăm triệu đồng cho mỗi sáng kiến được công nhận.

Kỹ sư Tuấn Anh (Trưởng phòng, Trung tâm động cơ) cho biết, đơn vị của anh mới đây cũng phát triển được một mô hình phòng thí nghiệm giúp tiết nghiệm lượng ngân sách lớn cho đất nước và quân đội. Cụ thể, phần động cơ của sản phẩm của nước ngoài bán cho chúng ta chỉ dùng được một lần, khi thử nghiệm xong là không tận dụng được nữa. Được biết giá của động cơ này rất đắt, trong khi đó, để hoàn thiện và tối ưu các tính năng sản phẩm cuối cùng, cần phải trải qua thử nhiều lần với động cơ. Trăn trở với khó khăn của lãnh đạo, kỹ sư Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp đã quyết định xây dựng hệ thống mô phỏng hoạt động động cơ để động cơ có thể được thử nghiệm nhiều lần, trong khi vẫn đáp ứng các thông số cho quá trình nghiên cứu, kiểm tra, thử nghiệm trên sản phẩm tổng thể. Kỹ sư Tuấn Anh giải thích: Một sản phẩm hoàn thiện phải được lắp ghép từ nhiều bộ phận khác nhau. Các sản phẩm đều phải trải qua các bước thử sai và sửa lại cho có sự chính xác trong mối tương thích với các bộ phận khác. Cho nên việc phát triển các hệ thống mô phỏng nhằm lấy được các thông số của từng hạng mục trong sản phẩm là yếu tố quyết định tới sự hoàn thiện của sản phẩm cuối cùng. Quá trình thử nghiệm, kiểm tra là khâu vô cùng quan trọng.

Kỹ sư Tuấn Anh cho biết, giá mỗi động cơ nhập khẩu khoảng 7-8 tỷ đồng, và để cho ra sản phẩm cuối cùng, riêng phần động cơ cũng phải trải qua vài chục lần thử nghiệm, việc tổ chức được hệ thống mô phỏng khiến chúng ta giảm thời gian ra thực địa; giảm được số động cơ phải mua, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng… mà vẫn cho ra được thông số cuối chính xác giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách; tiết kiệm công sức của nhiều người. Tuy nhiên, để đi đến thành công là không dễ dàng, kỹ sư Tuấn Anh cho biết, trong lần đầu tiên thử nghiệm, do chưa có kinh nghiệm, kíp làm thí nghiệm thậm chí còn đối mặt với nguy hiểm.

Kỹ sư Trần Anh Đức giải thích thêm, việc mô phỏng nằm trong một quy trinh mô phỏng chung, mỗi sáng kiến đơn lẻ sau khi vận hành mô phỏng thành công sẽ được kết nối mô phỏng chung trong hệ thống tổng thể, giống như hoạt động của một sản phẩm thật, tương đương như một thử nghiệm thực tế. Mỗi sản phẩm trong thực tế trải qua các giai đoạn vận hành như thế nào thì hệ thống mô phỏng tổng thể sẽ giả lập toàn bộ các hoạt động của tất cả các thành phần của sản phẩm thông qua các thiết bị đo kiểm và các phương pháp sáng tạo của các kỹ sư VTX. Chỉ khi nào sản phẩm trên hệ thống mô phỏng từng bộ phận, từng mô-đun hoàn thiện, khi ấy hệ thống mô phỏng tổng thể đi vào hoạt động và chỉ khi hoạt động hoàn hảo, sản phẩm lúc ấy mới được mang ra thử nghiệm thực tế.

Chia sẻ về những lần thất bại, kỹ sư Trần Anh Đức cho biết, trước khi có hệ thống mô phỏng, sau khi lắp ráp sản phẩm, hiệu chỉnh rồi, nhưng sản phẩm luôn không đạt được các thông số đề ra. Sản phẩm khi ra tới nơi thử nghiệm luôn trong tình trạng không biết chắc chắn có hoạt động như ý muốn hay không. Chỉ tới khi có hệ thống mô phỏng, hoạt động thử nghiệm luôn đạt trên 90% các yêu cầu đề ra. Sản phẩm hoạt động tốt ở tất cả các hệ thống thành phần. Những sai số nhỏ liên quan tới điều kiện môi trường cũng đã được tỉnh tới và mô phỏng về gió, thời tiết, khí hậu, các yếu tố chiến trường… để dần hoàn thiện sản phẩm.

Theo đánh giá của các kỹ sư, đây là cách làm ngắn nhất, tối ưu nhất. Việc đo kiểm thực tế thông qua hệ thống mô phỏng giúp toàn bộ ê kíp nắm chắc các thông số kỹ thuật, từ đó kịp thời điều chỉnh, làm cho toàn bộ tiến trình hoàn thiện sản phẩm đối với các thiết bị được rút ngắn. Trung tá Hoàng Văn Đức cho biết, sản phẩm đã rút ngắn được thời gian từ 5 đến 10 lần so với trước kia. Tiết kiệm nhân lực trong quá trình thử nghiệm. Đặc biệt khi thiết bị khi thử nghiệm thực tế rất khó đo kiểm các thông số thực tế, thông qua sản phẩm đã được hiểu chỉnh qua quá trình mô phỏng, tạo ra thông số chính xác ở tầm quốc tế khiến giá trị của sản phẩm được đánh giá cao.

Trung tá Hoàng Văn Đức cho rằng, việc các phòng, ban chức năng thuộc VTX làm chủ được thiết kế hệ thống, làm chủ tích hợp hệ thống và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm, biết kết hợp với những kinh nghiệm trong tác chiến của các đơn vị trong quân đội, giúp VTX cho ra đời các sản phẩm CNC, với mức độ tự động hoá cao, đạt được các tiêu chuẩn của sản phẩm hàng không vũ trụ quốc tế đã cho thấy quá trình sáng tạo không ngừng của từng cá nhân, hướng đi tích cực của lãnh đạo VTX và lãnh đạo Tập đoàn. Trung tá Hoàng Văn Đức chia sẻ, phía nước ngoài không bao giờ tư vấn cho chúng ta mở các hệ thống mô phỏng, vì như thế họ không bán được nhiều sản phẩm. Vì vậy, những công trình sáng tạo cơ bản là do các kỹ sư tự mày mo, nghiên cứu. Viện HKVT Viettel xác định đi từ nhỏ đến lớn; đi từ dễ đến khó; dùng các công nghệ tiên tiến của thế giới như mô hình mô phỏng, sử dụng hệ thống siêu máy tính. Cách làm này vừa góp phần tăng số lần thử nghiệm, rút ngắn quá trình nghiên cứu, đồng thời tối ưu chi phí.

Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và khát khao chinh phục công nghệ, những năm tới, Viện HKVT Viettel tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới tiên tiến, hiện đại đưa vào trang bị cho quân đội, phấn đấu trở thành hạt nhân nòng cốt trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam.

Hoa Huyền
Bài viết cùng chủ đề: công nghiệp quốc phòng

Tin cùng chuyên mục

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Kỳ 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Lai Châu: Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia

“Tuần lễ Vàng” – dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Di chúc của Bác mãi mãi đồng hành cùng dân tộc

Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng: Soi chiếu từ Quy định số 144-QĐ/TW

Giải pháp phòng, chống hoạt động ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta

Lan tỏa tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bộ mặt thật của Việt Tân từ cái gọi là 'hội luận kinh tế thị trường ở Việt Nam'

Bài 5: Đạo pháp bất ly thế gian pháp

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 3: Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Phật giáo

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin