Thứ bảy 23/11/2024 21:59
Phát triển công nghiệp văn hóa nhìn từ sự kiện BlackPink biểu diễn tại Hà Nội:

Bài 1: Từ ban công Tuấn Hưng đến thư Chủ tịch Hà Nội gửi BlackPink

Chính điểm dừng chân cuối cùng của BlackPink tại Châu Á trong chuyến lưu diễn quanh thế giới 2023 đã mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thay đổi tư duy từ cái nhìn có trách nhiệm

Sự kiện nhóm nhạc BlackPink biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào ngày 29 và 30/7 đã kết thúc, song dư âm, sức nóng vẫn còn khi bất ngờ Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh có thư cảm ơn ban nhạc ngoại quốc. Sự kiện này khiến tôi chợt nhớ đến câu chuyện từng xảy ra cách đây chưa lâu khi chính quyền ở Hà Nội từng xử phạt ca sỹ Tuấn Hưng "hát trái phép" ở ban công rồi lại bất ngờ cấp phép.

Việc làm tưởng như trái ngược ấy sau đó được dư luận đồng thuận, đánh giá cao cách giải quyết của lãnh đạo thành phố. Ca sỹ Tuấn Hưng, trên chiếc ban công nhỏ của nhà mình, đã có sức hút đến lạ lùng và khiến cả khu phố nơi anh ở trở thành không gian văn hóa quy tụ biết bao trái tim bạn trẻ yêu âm nhạc, biến không gian ven Hồ Gươm thành điểm đến hấp dẫn. Khán giả đến với anh quá sức tưởng tượng của anh, đến mức anh phải bật khóc và quỳ xuống cảm ơn.

Hình ảnh hàng nghìn người đội mưa đến nghe ca sỹ Tuấn Hưng biểu diễn đã cho thấy thực tế Hà Nội đang còn thiếu sân chơi văn hóa ngoài trời

Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quyết định xử phạt ca sỹ Tuấn Hưng 12,5 triệu đồng liên quan đến vụ việc hát liveshow không xin phép. Việc đó hoàn toàn đúng pháp luật. Tuấn Hưng sau đó đã thừa nhận việc làm không đúng của mình và đã xin phép đúng quy định, cam kết thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch.

Việc rất nhiều người đến nghe Tuấn Hưng hát dưới ban công nhà anh, điều đó hoàn toàn bình thường trong nhịp sống thị dân nơi thủ đô ngàn năm văn hiến. Và việc hàng nghìn người đến nghe Tuấn Hưng hát còn cho thấy họ khát khao có một không gian văn hóa, một sân chơi đủ sức "phiêu" và phù hợp với giới trẻ. Điều đó cũng nói lên thực tế Hà Nội đang còn thiếu sân chơi văn hóa ngoài trời.

Với việc làm quyết đoán, cấp phép trở lại cho Tuấn Hưng, lãnh đạo Hà Nội có thể nói đã thể hiện một tư duy mới, tầm nhìn mới, một cách hành xử mới phù hợp với nhu cầu của thị dân thủ đô, phù hợp với đòi hỏi phát triển công nghiệp văn hóa mà chính Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra, coi đây là một mũi nhọn cần thực hiện. Công nghiệp văn hóa không phải xây dựng từ đâu xa mà cần được xây dựng từ những không gian bình dị như thế. Ban công triệu đô là sản phẩm văn hóa nhưng cũng đã trở thành sản phẩm du lịch trên phố đi bộ của Thủ đô Hà Nội.

Bốn thành viên BlackPink để lại ấn tượng tốt với khán giả Việt qua hai đêm diễn

Và giờ đây, với hai đêm trình diễn của ban nhạc nổi tiếng thế giới BalckPink, chúng ta hẳn còn nhớ trước hai đêm diễn tuyệt vời này, Hà Nội từng trải qua 3 cuộc "xì căng đan" với nhiều chỉ trích từ dư luận đối với sự kiện. Báo chí, mạng xã hội không ít lời quan ngại và cả những chê bai. Đến nỗi, có lúc đã từng có nhiều ý kiến cho rằng phải cấm biểu diễn, không cấp giấy phép cho công ty tổ chức.

Nhưng cuối cùng, bằng cái nhìn đầy trách nhiệm, bằng tầm nhìn của tư duy vì một thành phố kết nối, thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình, Hà Nội đã ủng hộ và nỗ lực hết sức để bảo đảm tổ chức hai đêm diễn thành công. Không có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Chỉ có âm nhạc, tình yêu, sự kết nối kinh tế và văn hóa như chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và khẳng định ngay trong một hội nghị diễn ra sau đêm diễn thứ nhất của các cô gái đến từ xứ sở kim chi.

Quay trở lại, BlackPink là nhóm nhạc nữ Hàn Quốc ra mắt năm 2016, gồm 4 thành viên Jennie, Lisa, Jisoo và Rosé. Nhóm thu hút lượng fan đông đảo trên toàn thế giới bởi tài năng và thần thái khi biểu diễn, chụp ảnh thời trang.

Trước đó, Công ty Tổ chức concert của BlackPink tại Hà Nội đã chính thức xác nhận về thông tin sự kiện và cho biết tổng cộng có 67.000 vé được phát hành cho hai đêm diễn. Sau hai đêm, có thể nói chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc đã kết thúc tốt đẹp, khiến đa phần người xem toại nguyện.

Hình ảnh các thành viên BlackPink đội nón lá, nói tiếng Việt giao lưu với người hâm mộ đã thực sự "mang" văn hóa Việt Nam ra khắp thế giới

Người hâm mộ Việt tự hào vì có sản phẩm đến từ Việt Nam thu hút sự quan tâm của thần tượng. Khi đến các quốc gia khác, BlackPink hiếm khi và gần như không thuộc ca khúc, điệu nhảy nào để gửi người hâm mộ trong khuôn khổ tour diễn vòng quanh thế giới.

Theo thống kê SocialTrend thuộc đơn vị YouNet Media, hai ngày biểu diễn của BlackPink tại Hà Nội thu hút hơn 567.000 lượt thảo luận, 8,44 triệu lượt tương tác.

Bài đăng nhận tương tác cao chủ yếu là hình ảnh trong đêm diễn, ảnh, video bốn thành viên đội nón lá, nói tiếng Việt giao lưu với người hâm mộ; See tình cũng trở thành từ khóa thịnh hành trên Twitter sau khi Jennie quyết định cover điệu nhảy gửi fan Việt.

Sự kiện âm nhạc của BlackPink ở Việt Nam, một lần nữa cho thấy rõ nét hơn văn hóa thần tượng của giới trẻ từ các nghệ sĩ Hàn Quốc tại nước ta. Với nhiều điểm tích cực như: Góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam. Sự hiện diện của BlackPink tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả quốc tế. Điều này không chỉ tạo nên cơ hội giới thiệu hình ảnh hội nhập của Việt Nam mà nếu tận dụng tốt sẽ còn giúp cải thiện hình ảnh và nâng cao danh tiếng ngành công nghiệp giải trí nước nhà.

Theo thông báo của ban tổ chức, concert tại sân vận động Mỹ Đình vào tối 30/7 là đêm cuối cùng thuộc khuôn khổ World tour "Born Pink" của nhóm nhạc BlackPink. Thống kê của Tourng Data cho biết, đây là chuyến lưu diễn có doanh thu concert cao nhất mọi thời đại. Doanh thu riêng mỗi show trung bình là hơn 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng), trung bình mỗi show bán được hơn 14.000 vé. Giá mỗi vé xem show vào khoảng 215 USD (hơn 5 triệu đồng).

Với show diễn tại Hà Nội, mức vé từ 1,4-9,8 triệu đồng, tính trung bình giá vé BlackPink là 5 triệu đồng, nhân với 67.000 vé (theo báo cáo của Ban tổ chức lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội), doanh thu Born Pink World Tour Hanoi vào khoảng 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD).

"Khát vọng" xây dựng nền công nghiệp văn hóa Thủ đô xứng tầm quốc tế

Thông qua sự kiện âm nhạc của BlackPink, chính điểm dừng chân cuối cùng của 4 cô gái này tại Châu Á trong "Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 2023" đã mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong đó, có Thủ đô Hà Nội.

Đáng lưu ý, ngay sau khi sự kiện kết thúc, ngày 31/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có Thư cảm ơn gửi nhóm nhạc BlackPink đã mang đến cho khán giả Thủ đô, du khách trong và ngoài nước hai đêm nhạc tuyệt vời và đáng nhớ.

Thư nêu rõ, sự thành công của đêm nhạc tiếp tục khẳng định hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô.

Lượng lớn khán giả đổ về sân vận động Mỹ Đình để xem đêm nhạc của 4 cô gái đến từ Hàn Quốc đã cho thấy "sức sống mãnh liệt" từ giá trị của công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng tin tưởng, hy vọng rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ được đón và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần thực hiện xây dựng nền công nghiệp văn hóa Thủ đô - xứng tầm là một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa góp phần tạo nên sự đa dạng hóa và dân chủ hóa về tri thức cho xã hội; đồng thời, thông qua sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa, hình ảnh quốc gia sẽ được quảng bá, không ngừng mở rộng không gian văn hóa; "sức mạnh mềm" quốc gia cũng được gia tăng trên phạm vi quốc tế. Vì lý do đó, ngày nay, các ngành công nghiệp văn hóa được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng, điển hình như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tại Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Ở Việt Nam, vai trò kinh tế của văn hóa, của các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng được nhận thức rõ, được thể hiện trong nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Quan điểm về phát triển công nghiệp văn hoá được Đảng ta bắt đầu hình thành từ năm 1986 trong các văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và được khẳng định cụ thể tại Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiền năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Bên cạnh đó, chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đã được Đảng ta đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII và tiếp tục khẳng định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; được Chính phủ cụ thể hóa thành Chiến lược phát triển với tầm nhìn đến năm 2030.

Khu vực sân khấu, âm thanh, ánh sáng xứng tầm cho một đêm nhạc quốc tế

Xác định các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết về công nghiệp văn hóa. Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngay sau khi ban hành đã tạo nên một hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong nhiều địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân.

Điều đó cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc biến những giá trị văn hóa truyền thống và các tiềm năng về cảnh quan, con người thành nguồn lực mềm, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới; đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Tinh thần quyết tâm ấy từ thành phố đã lan tỏa tới các cấp, ngành, địa phương cơ sở, tạo nên một không khí sôi nổi.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Cùng với đó đưa mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới.

Từ năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, góp phần củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển

Quảng Ninh: Thu hút đầu tư thông minh, hướng tới phát triển kinh tế xanh

Sơn La có thêm 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ với công nghiệp chế biến, chế tạo

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại

Tỉnh Sơn La sẽ tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm tại Lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập