Thứ ba 26/11/2024 17:51
Tăng năng suất lao động: Từ thực tiễn và tầm nhìn phát triển

Bài 1: Năng suất lao động của Việt Nam đứng ở đâu?

Nâng cao năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tăng nhanh nhưng chưa như kỳ vọng

Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chính là nâng cao năng suất lao động. Nâng cao năng suất lao động được Chính phủ xác định là vấn đề quan trọng để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Năng suất lao động của Việt Nam đã có sự tăng trưởng tích cực

Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất lao động…

Năng suất lao động được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, như: Quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…; nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng lao động.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ; quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần… đó là do năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có báo cáo về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam 30 năm qua, trong đó, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới. Cụ thể, từ năm 1990 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Riêng năm 2020, 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng năng suất lao động chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%.

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu dẫn chứng, bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.

Theo giá hiện hành, năng suất lao động đã tăng từ mức 70 triệu đồng/lao động (năm 2011) lên 150,1 triệu đồng/lao động (năm 2020). Năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng từ 150,1 triệu đồng/lao động (năm 2020) lên 172,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020; đến năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.

Nếu xét theo các ngành, thống kê sơ bộ cho thấy, năng suất lao động trong ngành Công Thương cũng đang có sự tăng trưởng so với trước. Nếu như năm 1990 năng suất lao động ngành Công Thương chỉ khoảng 2.800 USD/người/năm thì đến nay đã tăng trên 8.000 USD/người/năm.

Với vai trò là ngành chủ đạo tạo ra của cải vật chất của đất nước, những năm gần đây, các hoạt động hướng tới nâng cao năng suất lao động luôn được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm thúc đẩy. Ngành đã chủ động kết nối, hợp tác và xây dựng chương trình hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm bắt kịp với những xu thế mới nhất của khoa học - công nghệ, quản trị công ty và trình độ nhân lực để tạo sự lan tỏa trong việc nâng cao năng suất lao động.

Đối với các địa phương, những năm gần đây năng suất lao động cũng có sự cải thiện đáng kể. Thực tế tại tỉnh Bắc Ninh, nếu như năm 1997, bình quân 1 lao động ở địa phương này chỉ tạo ra 3,8 triệu đồng GRDP thì đến năm 2021 đã tăng lên 293 triệu đồng, gấp 76 lần. Trong đó, năng suất lao động khu vực công nghiệp - xây dựng tăng gấp 34 lần; khu vực dịch vụ tăng gấp 9 lần.

Trong kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng trên địa bàn Bắc Ninh giai đoạn 2023-2030, địa phương đặt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân khoảng 12,5%/năm. Đồng thời xác định giải pháp phát triển kinh tế dựa trên nâng cao năng suất lao động, trong đó chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp theo chiều sâu; tận dụng tối đa làn sóng chuyển dịch đầu tư FDI mới; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách ưu đãi; mở rộng thị trường xuất khẩu một số sản phẩm làng nghề…

Tại Bắc Giang, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song năng suất lao động tăng 4,4%, giá trị đạt 114 triệu đồng/lao động. Sau khi đại dịch được kiểm soát, nhiều tập đoàn lớn trong khu vực đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, logistics và đô thị ở Bắc Giang. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực, nhờ đó năng suất lao động tăng lên đáng kể, năm 2023, năng suất lao động xã hội của địa phương này đã tăng tới 12,5%, vượt 5% kế hoạch.

Theo ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, một trong những nguyên nhân để Bắc Giang liên tục tăng trưởng thời gian qua đó là phát huy được nội lực con người. Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời dự báo bám sát tình hình thực tế nhằm tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản để phát triển công nghiệp.

Cần nhanh chóng hóa giải thách thức

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam tăng cao kể từ năm 2010 nhưng chỉ đạt khoảng 10% so với mức của Singapore. Đến nay, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Thực tế bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra (tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%).

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định, những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan.

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.

Nếu so sánh năng suất tính theo số giờ làm việc trên mỗi lao động đang làm việc (tính bằng GDP trên tổng số giờ làm việc của lao động làm việc trong năm), năng suất lao động mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia 25,6 USD; Thái Lan 15,1 USD; Indonesia 13 USD; tương đương năng suất lao động mỗi giờ của Philippines 10,1 USD. Các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Mỹ đạt 70,7 USD; Pháp 58,5 USD; Anh 51,4 USD; Hàn Quốc 41,5 USD; Nhật Bản 39,6 USD; Trung Quốc 13,5 USD.

Phân tích một số khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn đang tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Minh chứng rõ nét cho vấn đề này là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt 200,2 triệu đồng/lao động, tăng 13,9 triệu đồng/lao động so với năm 2021 nhưng chỉ cao hơn 12,2 triệu đồng/lao động so với mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế. Sở dĩ là do các doanh nghiệp chế biến, chế tạo (gồm cả doanh nghiệp FDI) chủ yếu tham gia ở các khâu, công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn đầu vào cho sản xuất, nhất là các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, da giày, may mặc, điện tử, hóa chất…) trong khi đây là những ngành sử dụng nhiều lao động.

Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chi phí thương mại của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi.

Khoảng cách và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước có trình độ phát triển hơn còn khá lớn. Đặc biệt tỷ lệ tăng năng suất giữa các nhóm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước chưa đồng đều. Đây là vấn đề Việt Nam cần cải thiện để nguồn nhân lực thực sự là động lực cho một nền kinh tế mạnh.

Bài 2 - Tăng năng suất lao động: Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: năng suất lao động

Tin cùng chuyên mục

Trao tặng mũ bảo hiểm và hướng dẫn an toàn giao thông cho học sinh lớp 1 khu vực phía Nam

Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp

Nhân sự 25/11: Đồng ý cho các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng

Dự báo thời tiết biển hôm nay 26/11/2024: Nam Biển Đông có mưa rào và dông

Dự báo thời tiết hôm nay 26/11/2024: Bắc Bộ trời chuyển rét, Trung Bộ mưa lớn

Đã tìm ra quán quân đại sứ truyền thông Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - HUIT'S Iconic 2024

Cách đăng nhập Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bằng tài khoản VneID

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển