Bài 1: Dân có thu nhập, rừng được phủ xanh
Những năm qua, nhiều huyện miền núi Nghệ An tập trung phát triển cây keo nguyên liệu và dần chuyển sang trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến lâm sản. Địa phương này cũng đã dẫn hình thành các cụm công nghiệp, thu mua, sơ chế nguyên liệu keo, đặc biệt là chế biến gỗ thanh, ván lạng tăng thu nhập cho ngườitrồng rừng.
Thu nhập bền vững từ rừng gỗ lớn
Tỉnh Nghệ An đã có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ… tham gia trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân và góp phần quan trong trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Trồng rừng gỗ lớn ở xã Thanh Thủy (xã miền núi của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) |
Tại nhiều huyện miền núi Nghệ An, diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp rộng lớn cùng với tập quán trồng rừng (chủ yếu rừng keo) từ lâu đời trở thành lợi thế để các địa phương tiến hành trồng rừng gỗ lớn. Việc này góp phần tạo nên hiệu quả "kép" về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.
Nghệ An là tỉnh có độ che phủ rừng lớn, năm 2020 độ che phủ lên đến 58,5%. Đây cũng là địa phương sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh mẽ, những năm qua Nghệ An đang hướng mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn. Theo kết quả kiểm kê rừng, trữ lượng gỗ trên địa bàn tỉnh này hiện có 91.003.287 m3, (bao gồm gỗ rừng tự nhiên 81.349.105 m3; gỗ rừng trồng 9.654.183 m3).
Là một trong những người đầu tiên tham gia vào dự án trồng rừng gỗ lớn - ông Nguyễn Văn Vê, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương bắt đầu trồng rừng từ năm 2009. Đến nay, ông Vê đã trồng được 22ha rừng keo trong tổng số gần 100ha đất rừng của gia đình, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Theo ông Trần Văn Vê, trồng rừng gỗ lớn giúp bảo vệ rừng đầu nguồn, có thể trồng xen các loài cây ngắn hạn, có giá trị kinh tế cao nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa có thể để lại cho con cháu sau này.
“Đồi keo của gia đình đã bước sang năm thứ 8, một số diện tích đã bước sang năm thứ 13 là đồi keo được trồng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn. Từ năm thứ 5 trở đi, keo phát triển rất nhanh, tán rộng che ánh sáng, cỏ đỡ mọc. Nếu bán gỗ trồng 5 năm tôi chỉ thu được khoảng 1,1 tỷ đồng/ha, nhưng để đến 12 năm số tiền thu được sẽ gấp ba, lại đỡ công trồng và chăm sóc; nhiều cây keo còn làm được gỗ khối, tính bằng m3, giá trị rất cao…”, ông Trần Văn Vê nói.
Tại hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy từ năm 2018 được Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 10 ha/mô hình. Đến nay trên diện tích rừng do hợp tác xã quản lý đã có 150 ha rừng gỗ lớn, phát triển từ vườn rừng của 17 hộ thành viên. Tháng 12/2021, xã Thanh Thủy cũng đã có gần 1.600 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ có chứng chỉ, được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn từ 10- 20%.
Ông Nguyễn Sỹ Bình – Giám đốc hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy, cho biết nếu rừng trồng 5 năm cho thu nhập 50- 60 triệu đồng/ha, thì những rừng keo trồng trên 10 năm giá trị có thể lên tới 180- 200 triệu đồng/ha. Thời gian dài gấp đôi, nhưng người dân không phải bỏ thêm chi phí cây giống, đầu tư ban đầu thêm một lần nữa, cây keo từ năm thứ 6 trở đi hầu như không còn phải chăm sóc.
Đến nay, hầu hết các hộ có diện tích rừng lớn, điều kiện kinh tế ổn định đều đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với diện tích khoảng 500 ha. “Hợp tác xã đang cố gắng tìm kiếm, cân đối nguồn để hỗ trợ từ 500.000 – 600.000 đồng/ha rừng trồng từ năm thứ 6 trở đi, hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn” - ông Nguyễn Sỹ Bình cho biết.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết,trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Cùng với đó, chi phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn cũng thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ bởi chỉ tốn chi phí bảo vệ rừng ở giai đoạn về sau thay vì phải tái đầu tư giống, công trồng, chăm sóc.
Cụ thể, khi khai thác cây keo lai ở năm thứ 6, người trồng chỉ thu về khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha. Còn khi khai thác ở năm thứ 10, tức là khi đã chuyển hóa sang rừng gỗ lớn, cây có đường kính trên 18 cm thì người trồng sẽ có thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân trên 22 triệu đồng/ha/năm.
Trồng rừng gỗ lớn còn hạn chế việc doanh nghiệp thu mua ép giá, góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng; chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Tháo gỡ những rào cản
Có thể thấy, từ thực tế hiện nay việc trồng rừng nguyên liệu, khai thác chế biến lâm sản của tỉnh Nghệ An vẫn còn những khó khăn, hạn chế như rừng nguyên liệu gỗ nhỏ chiếm phần lớn, chưa có nhiều diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC, các doanh nghiệp, nhà đầu tư được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu chậm hoặc không triển khai.
Trong khi đó, theo người dân trồng rừng gỗ lớn, hiện nay do trồng rừng gỗ lớn phải kéo dài thời gian thu hoạch dẫn đến phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân vùng miền núi còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Nhiều người dân miền núi ở Nghệ An đã khấm khá nhờ phát triển kinh tế rừng |
Tại một số huyện miền núi như Thanh Chương, Quế Phòng, Con Cuông... của tỉnh Nghệ An đã và đang tận dụng lợi thế sẵn có về mặt điều kiện tự nhiên, nhất là diện tích đất lâm nghiệp dồi dào để tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều trở ngại về nguồn giống cây, vốn đầu tư giai đoạn đầu, chế độ chính sách chung cho người trồng rừng…
Chỉ khi những “rào cản” sớm được giải quyết, những đề xuất, kiến nghị của chính doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia trồng rừng, của cơ quan chức năng được ghi nhận và có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn sản xuất thì chủ trương trồng rừng gỗ lớn sẽ thật sự đem lại hiệu quả thiết thực hơn, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông Nghệ An, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp và người dân vẫn còn tâm lý muốn trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5-7 năm để có nguồn thu nhanh để trang trải cuộc sống và tái sản xuất.
Ngoài khó khăn trên, Nghệ An cũng là địa phương luôn chịu ảnh hưởng mưa lũ dồn dập hay nắng hạn triền miên dẫn đến gia tăng khả năng mất trắng cả cánh rừng. Vì thế, các chủ rừng thường có xu hướng khai thác rừng non để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở tỉnh phát triển còn nhiều hạn chế, nhà máy chế biến gỗ còn đếm đầu ngón tay, chủ yếu là chế biến thô và công suất chưa cao.
Ông Nguyễn Văn Đệ cũng kiến nghị, Trung ương cần quan tâm bố trí vốn để triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; sớm xem xét phê duyệt các dự án từ các nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật để xây dựng các mô hình quản lý rừng trồng bền vững đối với tổ chức, cá nhân nhằm tăng giá trị gỗ rừng trồng. Đồng thời tiếp tục xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh cây gỗ lớn đối với các loài cây khác có giá trị. Có như vậy mới có thể đầu tư phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An khuyến khích những hộ có diện tích rừng trồng lớn tham gia trồng rừng gỗ lớn. Về phía doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn về kỹ thuật, cây giống để người dân trồng rừng và bán gỗ cho doanh nghiệp, qua đó vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Sở đang rà soát, thống kê số lượng và hiện trạng phát triển rừng trồng trên địa bàn. Sau khi đánh giá toàn diện sẽ cân nhắc, lựa chọn hướng đi phù hợp cho những loại cây này để phát huy hiệu quả về kinh tế cho bà con và mục tiêu trồng rừng phòng hộ, rừng tái sinh.
Với kinh tế từ cây gỗ lớn đem lại, đời sống người dân tại vùng núi Nghệ An đang ngày càng được ổn định và phát triển. Diện tích trồng rừng được tăng cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn.