Bắc Ninh đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn
Thời gian qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến kế hoạch số 716/KH-UB về việc hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
Các hộ sản xuất được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử khi đạt được các tiêu chí: Quy mô sản xuất 10.000 sản phẩm/năm hoặc từ 5 tấn sản phẩm trở lên; có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo đúng kỹ thuật quy định; sản phẩm được chứng nhận OCOP, VietGap, GlobalGAP, TCVN về nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm của cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã lựa chọn đưa vào danh sách hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử phải có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: T.Tâm |
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Sở Công Thương đã cung cấp thông tin dữ liệu, phân tích dự báo thị trường, giá thành đối với từng loại sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; cung cấp thông tin phục vụ việc tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ sàn thương mại điện tử trong thực hiện thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ theo chức năng chuyên môn cho hộ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động, để tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.
Đến nay, Bắc Ninh có 167 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính.
Để hỗ trợ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức hội chợ, triển lãm để thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng; tập huấn tạo dựng video quảng bá sản phẩm nông sản, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Nhiều chuyên gia về thương mại điện tử nhận xét, tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt việc đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về hỗ trợ, vận chuyển, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương và xúc tiến ứng dụng thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nâng cao giá trị nông sản
Bên cạnh những kết quả đạt được, chia sẻ tại tọa đàm bàn giải pháp thúc đẩy đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, do Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, số lượng và sản lượng nông sản an toàn, sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thách thức do phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội từ nước ngoài; nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng; thiếu sự quản lý với các nền tảng xuyên biên giới; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi mua hàng trực tuyến vì lo “chất lượng kém so với quảng cáo”, “lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ”…
Trước thực trạng nêu trên, thời gian tới địa phương cần có các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đồng thời tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn tỉnh.
Bắc Ninh là một trong những địa phương tập trung nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, tập trung ở khu vực Nam sông Đuống, gồm thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình và Lương Tài. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.
Chính vì vậy, việc hoàn thành quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp; quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung được ưu tiên tập trung, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao chiếm từ 35 - 40% tổng giá trị toàn ngành.
Thực tế thời gian qua, không chỉ phát triển công nghiệp, Bắc Ninh cũng triển khai đồng bộ các biện pháp về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nên giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương tăng nhanh, từ 17,2 triệu đồng/ha (năm 1997) lên 139 triệu đồng/ha (năm 2022); năm 2023 tổng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thuỷ sản ước đạt gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 2,88% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30% giá trị toàn ngành; thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử của địa phương, thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử, chú trọng tiện ích thông minh trên các nền tảng di động… |