Yếu tố nào hỗ trợ phục hồi tiêu thụ thép nửa cuối năm? Tiêu thụ thép cuộn cán nóng rơi về mức thấp, giảm áp lực cách nào? |
Tiêu thụ thép xây dựng đạt mức cao nhất gần ba năm qua
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy thép thành phẩm trong tháng vừa qua tiêu thụ gần 2,74 triệu tấn, cao hơn 9,4% so với tháng 9 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng đến từ thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và SPM. Sự khởi sắc chủ yếu đến từ thị trường nội địa khi xuất khẩu vẫn đi lùi.
Thị trường thép được kỳ vọng sẽ sôi động hơn vào quý IV nhờ việc đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng Ảnh: Hoà Phát |
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận hơn 1,25 triệu tấn được bán ra, tăng lần lượt gần 34% và 44% so với tháng trước và cùng kỳ 2023. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 3/2022. Bán hàng đang vượt hơn 185.000 tấn so với tổng lượng thép xây dựng được sản xuất ra trong tháng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, thị trường đã tiêu thụ hơn 9,96 triệu tấn thép xây dựng, cao hơn cùng kỳ 2023 khoảng 11%. Điều này cho thấy sức mua một phần đã phục hồi.
Tiêu thụ cải thiện dù trong tháng 10, thép xây dựng đã có 5 lần tăng giá liên tiếp. Đơn cử như Hòa Phát có giá thép cuộn CB240 hiện là 13,94 triệu đồng mỗi tấn, tăng thêm 510.000 đồng sau 5 lần điều chỉnh. Còn thép thanh vằn D10 CB300, giá bán khoảng 14,14 triệu đồng mỗi tấn, tăng 740.000 đồng so với giữa tháng 9.
Việc tăng giá cũng được các hãng khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... áp dụng. Như vậy, giá thép xây dựng đang về ngang vùng giữa tháng 6, trước khi diễn ra đợt giảm giá khá mạnh xuyên suốt sau đó.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng sản lượng tiêu thụ của hầu hết loại thép tại thị trường nội địa đều tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nhu cầu từ cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp duy trì trạng thái tích cực. Nhóm phân tích này nhận định giá thép xây dựng đã tạo đáy nhờ vào mức tồn kho thấp kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhu cầu tiêu thụ thép cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng duy trì tăng trưởng.
Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Cuối tháng 10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc theo đó tạo đà tiêu thụ thép tốt hơn.
Tạo đà tăng trưởng năm 2025
Với tình hình hiện tại, VSA dự báo trong các tháng còn lại của năm 2024, các chính sách hỗ trợ tái thiết và phục hồi sau bão của Chính phủ sẽ tác động đến nhu cầu của thép. Quý IV cũng là thời điểm thích hợp triển khai, đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng. Đồng thời thị trường thép xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.
“Tính chung cả năm 2024, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép có thể đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023”, VSA nhận định.
VSA cũng dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Điều này một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Liên quan đến vấn đề này ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.
Một số chuyên gia cũng nhìn nhận, thời gian tới, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ hồi phục rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu cả về nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm gia tăng, dẫn tới giá bán tăng, ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường Việt Nam. Khi đó, những doanh nghiệp thép dự trữ nguyên liệu có giá thấp từ trước sẽ được hưởng lợi, biên lợi nhuận tốt hơn.
Tất nhiên, nhu cầu thép tại Việt Nam gia tăng nhờ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh là yếu tố quan trọng giúp giá thép trong nước hồi phục.
Trước mắt, để "vực" dậy ngành thép, theo các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép.
Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.
Song song với đó cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…
Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.