Bắc Kạn: Quan tâm phát triển hạ tầng công nghiệp
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh /chu-de/tinh-bac-kan.topic, năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 1.780 tỷ đồng, tăng 12,22% so với cùng kỳ và đạt 100,40% kế hoạch năm 2023.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 514,35 tỷ đồng; công nghiệp chế biến ước đạt 1.124,5 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 84,15 tỷ đồng; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 57,3 tỷ đồng…
Có thể nói mặc dù quy mô nhỏ, giá trị công nghiệp chưa cao nhưng trong những năm qua giá trị sản xuất các lĩnh vực công nghiệp của Bắc Kạn duy trì sự tăng trưởng ổn định.
Đáng chú ý, Bắc Kạn quan tâm phát triển hạ tầng công nghiệp, luôn chú trọng thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, cải cách hành chính nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Khu công nghiệp Thanh Bình tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn |
Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) hiện là khu công nghiệp duy nhất của tỉnh Bắc Kạn thu hút nhà đầu tư thứ cấp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp gồm: Mở rộng quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình, giai đoạn I (điều chỉnh về quy mô, diện tích tăng thêm 7,2ha, nâng tổng số diện tích toàn khu lên lên là 80,7ha); Khu công nghiệp Chợ Mới 1 (diện tích là 300ha, địa chỉ tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) và Khu công nghiệp Chợ Mới 2 (diện tích là 200ha, địa chỉ xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn)…
Cùng với việc đầu tư vào khu công nghiệp, Bắc Kạn cũng dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo hướng bền vững, từ đó mở ra cơ hội, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư phát triển.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn sẽ phát triển 27 cụm công nghiệp vào năm 2030 với tổng diện tích 676,4 ha. Trên địa bàn hiện có 6 cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích 186,4 ha.
Triển khai mặt bằng Cụm công nghiệp Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn |
Trong đó, Cụm công nghiệp Huyền Tụng đã được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thứ cấp cho Công ty TNHH Tập đoàn BETTER POWER đầu tư Dự án nhà máy sản xuất, gia công giày, dép, đế giày xuất khẩu với công suất 10 triệu đôi/năm, dự kiến đến năm 2025 sẽ đi vào vận hành sản xuất; Cụm công nghiệp Quảng Chu có diện tích 74,4 ha do Công ty Cổ phần Onsen Fuji Bắc Kạn làm chủ đầu tư, dự kiến đến tháng 1/2025 đưa vào vận hành, khai thác; Cụm công nghiệp Thanh Thịnh có diện tích 50 ha đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1; Cụm công nghiệp Cẩm Giàng có diện tích 43 ha đang được chủ đầu tư tổ chức báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Cụm công nghiệp Vằng Mười, Cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng cũng đang triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…
Các cụm công nghiệp mới thành lập đều thực hiện đầy đủ quy trình thành lập và giao chủ đầu tư theo quy định, hạn chế các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp như thời gian trước...
Đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn vào hoạt động tại các cụm công nghiệp sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững |
Có thể nói, kết quả triển khai phát triển khu, cụm công nghiệp thời gian qua thể hiện sự nỗ lực của tỉnh, của ngành Công Thương tỉnh Bắc Kạn. Song cũng phải nhìn nhận thẳng vào những mặt còn hạn chế như tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm; chưa có cụm công nghiệp nào đi vào hoạt động chính thức; việc đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nhưng việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... còn mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ kiên quyết khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cụm công nghiệp, bảo đảm đúng định hướng, thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các cụm công nghiệp.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết, đúng tiến độ, nhất là đối với các công trình bảo vệ môi trường; chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh, quản lý cụm công nghiệp chặt chẽ, bài bản, đúng quy định.
Bắc Kạn đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 1.900 tỷ đồng. Trong năm sẽ đôn đốc các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, triển khai đảm bảo tiến độ, phấn đấu đưa tối thiểu 1 cụm công nghiệp vào vận hành, khai thác để có thể thu hút dự án thứ cấp vào đầu tư. |