Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - 1 trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số
Với gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sinh trưởng nhiều loại cây trồng và đàn vật nuôi phát triển, Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh có vùng trồng cây ăn quả tập trung trên 51 nghìn ha, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng.
Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử Voso.vn |
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Giang, đến nay, tỉnh đã phê duyệt 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng để tập trung sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó tỉnh có 180 sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây chính là dư địa lớn cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, để cho năng suất cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại - khâu then chốt
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã từng bước tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn) để kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử).
Vài thiều Bắc Giang đang được bà con thu hoạch |
Đồng thời, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử…, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Hiệu quả từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online được nhìn thấy rõ nhất từ vụ vải thiều. Theo đó, đã có trên 10.500 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, trong đó có 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn thương mại điện tử, đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, khẳng định việc đi đúng hướng của tỉnh trong việc đa dạng hình thức tiêu thụ sản phẩm bên cạnh các hình thức tiêu thụ truyền thống.
Lan tỏa từ sự thành công của vụ vải thiều, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được ứng dụng triệt để số hóa trong kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, tỉnh đã có trên 113.670 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn khởi tạo gian hàng đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nhiều mặt hàng nông sản và 180 sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn... để đưa sản phẩm nông sản Bắc Giang đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thành công bước đầu trong ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đây là lĩnh vực mới, đối tượng chủ yếu tác động, thụ hưởng là người nông dân, tổ hợp tác với trình độ dân trí còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất còn manh mún.
Cán bộ cấp cơ sở ở các địa phương để triển khai, hướng dẫn chuyển đổi số vào sản xuất còn thiếu kinh nghiệm; các dữ liệu về diện tích, hiện trạng vùng trồng, kỹ thuật canh tác có sự biến động, thay đổi theo mùa vụ do vậy phải cập nhật thường xuyên.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản của tỉnh đa số có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn, nguồn nhân lực còn hạn chế, quản trị các sản phẩm, gian hàng trên sàn giao dịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp từ khâu quảng cáo tiếp thị, xây dựng hình ảnh gian hàng, tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn hàng, giới thiệu sản phẩm…
Để thực hiện tốt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Giang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ các cấp và người dân.
Bên cạnh đó, sớm ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình chuyên đề; đồng thời bố trí nguồn lực hỗ trợ để các địa phương triển khai thực hiện gắn với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Có hướng dẫn việc thực hiện mô hình làng, xã thông minh và mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 là địa phương trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. |