Thứ sáu 29/11/2024 09:50

ASEAN nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu gia tăng thương mại nội khối

Từ ngày 9-10/12020, Hội nghị của Ủy ban tham vấn Thuận lợi hóa Thương mại ASEAN lần thứ 16 (ATF-JCC 16) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Hội nghị đầu tiên của năm 2020 thuộc kênh kinh tế, do Bộ Công Thương phụ trách.  

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị bao gồm đại diện của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan liên quan.

Hội nghị ATF-JCC 16 đã tập trung thảo luận những nội dung chính trong hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại của khối ASEAN cũng như tham vấn các sáng kiến như: minh bạch hóa, đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm mục tiêu cắt giảm 10% chi phí giao dịch thương mại nội khối vào năm 2020 và tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại nội khối trong giai đoạn 2017-2025 như được đặt ra trong Kế hoạch hành động chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2020 (ATF-SAP), Kế hoạch hành động chiến lược AEC 2025 cho thương mại hàng hóa (SAP-TIG) v.v.

Hội nghị ATF-JCC 16 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai với vai trò Chủ tịch điều hành hội nghị. Với vai trò chủ tịch, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong quá trình điều phối cuộc họp, tích cực tham vấn quan điểm của các nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN cũng như các đối tác và đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN; thông qua chương trình nghị sự của hội nghị; thống nhất các luồng quan điểm để đưa ra kết luận của hội nghị v.v.

This browser does not support the video element.

Chia sẻ với phóng viên báo Công Thương bên lề Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết, một trong những ưu tiên của Việt Nam được đưa ra là làm sao củng cố ASEAN vững mạnh mà đoàn kết. Để làm được điều đó, trước tiên là phải thúc đẩy ASEAN có được thương mại đầu tư nội khối tăng trưởng một cách vững chắc. Mục tiêu quan trọng là tăng thương mại nội khối lên gấp đôi trong năm 2025 và giảm chi phí giao dịch 10% vào năm 2020.

Ông Lương Hoàng Thái chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị

Tuy nhiên, một trong những thách thức của ASEAN trong thời gian qua là mặc dù, với những cam kết chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo với sự quyết tâm của các nước thì những hàng rào thuế quan về cơ bản giữa các nước ASEAN với nhau được đưa về 0% nhưng thương mại nội khối vẫn chưa tăng trưởng tương xứng với tiềm năng của các nước.

Lý giải về điều này, ông Lương Hoàng Thái cho biết: Thứ nhất là hàng rào phi quan thuế vẫn còn hiện hữu; Thứ 2 là các biện pháp để tạo thuận lợi cho thương mại cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, kết quả của hội nghị lần này là tập trung vào hai nhóm đó.

Hội nghị ATF-JCC 16 đã thảo luận các sáng kiến và đề xuất cụ thể để thúc đẩy hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại, chuẩn bị cho đánh giá giữa kỳ của ASEAN về nội dung này vào năm sau. Một số nội dung thảo luận cụ thể tập trung vào việc thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về các biện pháp phi thuế (NTMs) của các nước ASEAN; Tăng cường tham vấn giữa các chính phủ ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp; đề xuất nghiên cứu đánh giá tác động (RIA) của các NTMs; Cập nhật cơ sở dữ liệu NTMs do các đối tác của ASEAN (EU-ARISE, ERIA/UNCTAD) xây dựng để đăng tải lên cổng Cơ sở dữ liệu thương mại chung của ASEAN và Cơ sở dữ liệu thương mại các quốc gia ASEAN (ATR/NTR); Đề xuất tổ chức các hội thảo và xây dựng năng lực cho các nước thành viên ASEAN; Thảo luận đường hướng triển khai đầy đủ “Hướng dẫn các nguyên tắc thực hiện về các biện pháp phi thuế của ASEAN (NTM Guidelines)”, được thông qua tại Hội đồng AFTA lần thứ 32, ngày 29 tháng 8 năm 2018 tại Singapore v.v.

Một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị là phối hợp hoạt động giữa các nhóm công tác chuyên ngành trong ASEAN để đảm bảo mục tiêu chung là tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Do vậy, Hội nghị lần này có sự tham gia của Chủ tịch nhiều nhóm công tác chuyên môn liên quan đến thương mại hàng hóa, hải quan, tiêu chuẩn v.v. để cùng nhau chia sẻ thông tin và thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết các vấn đề ASEAN cần thúc đẩy trong thời gian tới. Cuộc họp cũng có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN, các tổ chức quốc tế và một số cơ quan nghiên cứu để cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Điều hành và tham gia Hội nghị lần này, Việt Nam, với tư cách chủ tọa hội nghị, đã có những đóng góp tích cực, thiết thực trong quá trình thảo luận, nhằm tiếp nối những nội dung đã từng được thảo luận tại những hội nghị trước và xác định hướng hợp tác về tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới của khu vực trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Các nước đánh giá cao sự điều hành và những ý kiến đóng góp của Việt Nam để có những kết quả cụ thể, thực tế, bám sát nhu cầu của ASEAN. Các kết quả chính của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 (SEOM 1/51), sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày tới.

Việt Nam chính thức tái đăng cai Chủ tịch của năm ASEAN lần thứ 2 nhằm thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cũng như khẳng định vị thế trong khu vực. Là chủ nhà của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức cả về việc điều phối nội dung lẫn công tác tổ chức, song cũng mang lại nhiều cơ hội không nhỏ cho ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng trong quá trình tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại, đầu tư trong khu vực.

Nguyễn Hường - Cấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam chủ trì họp tổng kết Ủy ban ASEAN tại New York

ASEAN – EU: Chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược

Hợp tác quốc tế về quy định để ứng phó khủng hoảng trong tương lai

Thúc đẩy tự do lưu thông hàng hóa tại 5 nước ASEAN và Việt Nam

Doanh nhân trẻ ASEAN tăng cường hợp tác, vươn ra biển lớn

Hội chợ ASEAN - Trung Quốc: Thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số

Thủ tướng chúc mừng Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 17

Hiệp định RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động trong sân chơi kinh tế rộng lớn

CAFEO 38 - Thể hiện tinh thần hợp tác, linh hoạt của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN

Các nước Đông Á hợp tác chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

ASEAN tăng cường hợp tác IRENA phát triển năng lượng tái tạo

ASEAN+3 cam kết tăng cường hợp tác phục hồi năng lượng

Hướng tới phát triển thị trường năng lượng ASEAN bền vững, xanh và sạch

IEA thúc đẩy ưu tiên năng lượng của ASEAN

Thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực Đông Á

Thống nhất nhiều nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 38

ASEAN đồng thuận thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ký kết RCEP: Một bước tiến lớn của thế giới tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thông qua số lượng văn kiện lớn nhất từ trước tới nay

Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei