Thứ bảy 23/11/2024 03:21

ASEAN họp bàn tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số

Chiều 26/6, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana dự và phát biểu tại Phiên họp với tư cách khách mời.

Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Phiên họp cấp cao đặc biệt này cũng là một hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.

Hội nghĩ khẳng định phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Sự bất bình đẳng về giới và xã hội đối với phụ nữ vốn đã hiện hữu nay càng trầm trọng thêm; những phụ nữ không được trang bị các kỹ năng và tri thức công nghệ thông tin mới, phương thức làm việc phù hợp có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Trước tình hình đó, phiên họp nhất trí cần phát huy các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và tranh thủ hợp tác với các đối tác nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi... Đặc biệt, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan và khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chính sách của mỗi quốc gia và khu vực; đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình này.

Phát biểu về chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nỗ lực của ASEAN thông qua các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ASEAN cần tận dụng lợi thế là một khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất trên thế giới để tạo thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội do công nghệ số và hội nhập quốc tế mang lại, từ đó thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ, đồng thời cam kết bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoà bình, an ninh… sẽ được nhấn mạnh và thể hiện đậm nét trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển của ASEAN giai đoạn tới, nhất là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định quyết tâm cao nhất của ASEAN trong thực hiện hiệu quả Cương lĩnh Bắc Kinh và Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc.

Nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.

Nguyễn Hường

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam chủ trì họp tổng kết Ủy ban ASEAN tại New York

ASEAN – EU: Chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược

Hợp tác quốc tế về quy định để ứng phó khủng hoảng trong tương lai

Thúc đẩy tự do lưu thông hàng hóa tại 5 nước ASEAN và Việt Nam

Doanh nhân trẻ ASEAN tăng cường hợp tác, vươn ra biển lớn

Hội chợ ASEAN - Trung Quốc: Thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số

Thủ tướng chúc mừng Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 17

Hiệp định RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động trong sân chơi kinh tế rộng lớn

CAFEO 38 - Thể hiện tinh thần hợp tác, linh hoạt của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN

Các nước Đông Á hợp tác chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

ASEAN tăng cường hợp tác IRENA phát triển năng lượng tái tạo

ASEAN+3 cam kết tăng cường hợp tác phục hồi năng lượng

Hướng tới phát triển thị trường năng lượng ASEAN bền vững, xanh và sạch

IEA thúc đẩy ưu tiên năng lượng của ASEAN

Thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực Đông Á

Thống nhất nhiều nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 38

ASEAN đồng thuận thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ký kết RCEP: Một bước tiến lớn của thế giới tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thông qua số lượng văn kiện lớn nhất từ trước tới nay

Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei