ASEAN - EU khởi động chương trình Thành phố xanh thông minh
Trong tổng số hơn 630 triệu dân của ASEAN, gần 300 triệu người sống ở các khu vực thành thị và hơn 25% sống ở các thành phố với hơn một triệu dân.
Trong 15 năm tới, các khu vực đô thị của ASEAN dự kiến sẽ có thêm 100 triệu người. Với khoản hỗ trợ 5,1 triệu euro từ EU trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN (SGAC) sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN lường trước áp lực đáng kể từ tốc độ đô thị hóa cao bằng cách tập trung vào các giải pháp xanh và thông minh thông qua số hóa và sử dụng công nghệ.
Đại sứ EU tại ASEAN Driesmans nhấn mạnh, việc khởi động chương trình SGAC đã nâng tầm quan hệ EU - ASEAN hơn nữa, củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác đối với các vấn đề cụ thể ở cấp thành phố. Chương trình SGAC không chỉ quan trọng mà còn mang tính chiến lược vì nó nhằm mục đích hỗ trợ đô thị hóa bền vững trong khu vực ASEAN, giảm tác động môi trường của các khu vực đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Các hành động đóng góp cho các thành phố bền vững và thông minh như thúc đẩy năng lượng và các tòa nhà tiết kiệm tài nguyên cũng như di chuyển thông minh và bền vững là những ưu tiên chính sách quan trọng của EU và là trụ cột chính của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký ASEAN - Ekkaphab Phanthavong nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc xây dựng hợp tác mạnh mẽ hơn để thúc đẩy đô thị hóa bền vững và cho rằng chương trình thể hiện quan hệ đối tác ASEAN - EU tiếp tục về phát triển bền vững.
ASEAN đánh giá cao cam kết mới của Nhóm châu Âu trong việc hỗ trợ khu vực thông qua Nền tảng phục hồi xanh ASEAN và Sáng kiến xanh của Nhóm châu Âu. ASEAN khuyến khích EU hỗ trợ hơn nữa các quốc gia thành viên ASEAN và tận dụng nền tảng này trong việc cung cấp hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính để tạo điều kiện phục hồi hiệu quả hơn, xây dựng khả năng phục hồi và thúc đẩy các thành phố xanh hơn và thông minh hơn trong khu vực ASEAN.
Thư ký điều hành UNCDF - Preeti Sinha - cho biết, chương trình SGAC được phát triển phù hợp với ưu tiên của đô thị hóa bền vững và bao trùm trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. UNCDF và các đối tác của mình đảm bảo rằng việc thực hiện sẽ đóng góp trực tiếp vào việc giảm thiểu dấu vết về môi trường và carbon ở các thành phố ASEAN được chọn bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và các giải pháp thông minh của các thành phố để đô thị hóa bền vững, đồng thời thúc đẩy hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Các thành phố "hạng trung" có từ 200.000 đến 2 triệu cư dân được dự báo sẽ thúc đẩy 40% mức tăng trưởng của khu vực. Mặc dù sự mở rộng này phản ánh sự tập trung của các cơ hội kinh tế vào các khu vực đô thị, nhưng đồng thời cũng gây áp lực lớn lên môi trường cũng như quy hoạch đô thị đối với cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng khác.
Sự mở rộng nhanh chóng và phát triển theo cấp số nhân của các thành phố lớn ở Đông Nam Á đã dẫn đến những hậu quả môi trường đáng kể. Theo Chiến lược đô thị hóa bền vững ASEAN, phát thải CO2 hàng năm ở ASEAN đã tăng 6,1%, trong khi lượng chất thải tạo ra sẽ tăng 150% vào năm 2025. Ngoài ra, các thành phố ở ASEAN là một số thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Chương trình SGAC do UNCDF thực hiện và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chính sách, tiếp cận các nguồn vốn công và tư, cũng như tăng cường hợp tác giữa các thành phố trong ASEAN và giữa các thành phố ASEAN và châu Âu. Chương trình này sẽ trực tiếp góp phần giảm thiểu dấu chân carbon và môi trường của các thành phố ASEAN được chọn, đồng thời thúc đẩy hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, tạo điều kiện chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp thành phố xanh và thông minh tại các thành phố ASEAN được lựa chọn.
Chương trình dự kiến sẽ kết hợp với các sáng kiến đang diễn ra khác trong ASEAN, chẳng hạn như Sáng kiến ASEAN về Thành phố bền vững về môi trường, Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN và Chiến lược đô thị hóa bền vững ASEAN, cũng như với dự án SMART CHANGE do EU hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác giữa Jakarta, Bangkok và Berlin.