Army Games 2022: Đội tuyển Xe tăng Việt Nam sẽ thi đấu vòng bán kết vào 15 giờ ngày 24/8
Tại vòng bán kết, các đội tuyển được chia thành 2 nhóm, trong đó Nhóm 1 gồm Nga, Belarus, Mông Cổ và Uzbekistan; Nhóm 2 gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan và Việt Nam.
Theo kết quả bốc thăm, trận đấu giữa các đội tuyển thuộc Nhóm 1 sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 23/8 và trận đấu giữa các đội của Nhóm 2, với sự góp mặt của đội tuyển xe tăng Việt Nam, sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 24/8 (theo giờ Việt Nam).
Được biết, hôm 22/8, đội tuyển xe tăng Việt Nam đã tiến hành hiệu chỉnh, bảo dưỡng vũ khí trang bị và làm công tác chuẩn bị cho trận bán kết trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế ở nội dung “Xe tăng hành tiến (Tank Biathlon)”.
Cũng giống như ở vòng loại, đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ thi đấu bán kết với xe tăng màu xanh dương.
Trước đó, hôm 20/8, kíp xe tăng số 3 của đội tuyển xe tăng Việt Nam bao gồm: Thiếu tá Phùng Anh Cương (trưởng xe), Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Anh (pháo thủ) và Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Quốc Tuấn (lái xe) đã hoàn thành vòng bảng với thành tích ấn tượng.
Theo đó, đội xe tăng Việt Nam 3 đã về đích với thành tích 29 phút 07 giây, hạ 4/5 mục tiêu và đạt tốc độ tối đa 69 km/h.
Ngoài ra, trong 2 trận thi đấu vòng loại vào ngày 13 và 16/8, kíp xe số 1 của đội tuyển xe tăng Việt Nam đã đạt thành tích bắn hạ được 4/5 mục tiêu, thời gian về đích là 34 phút 50 giây; trong khi kíp xe số 2 hạ được 4/5 mục tiêu, thời gian về đích là 32 phút 21 giây.
Theo Ban tổ chức, đội tuyển xe tăng Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trên tổng số 10 đội ở Bảng 1 tại vòng loại với tổng thời gian cả 3 kíp là 96 phút 18 giây.
Vòng đua tiếp sức được áp dụng ở vòng bán kết và chung kết của nội dung Tank Biathlon. Phần thi đua tiếp sức được tiến hành trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Khác biệt của vòng đua tiếp sức so với vòng đua riêng lẻ là tham gia phần thi này có 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu. Trong trường hợp xe tăng thi đấu gặp trục trặc kỹ thuật sẽ được Ban tổ chức xem xét chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng.
Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe sẽ chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng đua riêng lẻ. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi sẽ phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.
Cụ thể:
- Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật.
- Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu xe tăng (bia số 12).
- Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7mm vào các mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và pháo chống tăng (bia số 11).
- Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào mục tiêu xạ thủ mang súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9).
Thứ tự thực hiện các vòng thi có thể thay đổi tùy tình hình trên thao trường, theo điều hành của chỉ huy chung để đảm bảo an toàn và trật tự trong thi đấu. Các đội đến tuyến bắn trước sẽ được ưu tiên chọn lựa các bài bắn mục tiêu.
Điểm đặc biệt của vòng đua tiếp sức là ngoài sự nỗ lực trong thi đấu, còn là sự phối hợp, hiểu ý của các kíp lái với nhau trong quá trình đổi kíp. Mỗi kíp lái sau khi hoàn thành tất cả các vòng chạy cần dừng xe tăng dừng trước tuyến xuất phát với thân xe phải nằm chính giữa hai cột giới hạn. Kíp xe tắt động cơ, xuống xe, tháo mũ, móc vào vị trí để mũ và chốt cửa xe. Kíp xe thứ nhất kết thúc bài thi chuyển giao xe cho kíp xe thứ hai và tiếp đến kíp xe thứ ba. Kết quả chung cuộc là tổng thời gian cả 3 kíp xe hoàn thành vòng thi.
Ở vòng chung kết, nội dung thi đấu tương tự như vòng bán kết.
Cùng nhìn lại màn thi đấu của 3 kíp xe tăng Việt Nam:
This browser does not support the video element.
This browser does not support the video element.
This browser does not support the video element.