Thứ sáu 08/11/2024 20:22

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Có nên thu hút và giữ chân “đại bàng” bằng các ưu đãi ngoài thuế?

Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đặt ra trong bối cảnh trụ cột 2 của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu có thể được áp dụng vào năm 2023.

Nguy cơ mất lợi thế thu hút FDI về ưu đãi thuế

Theo TS. Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính): Thoả thuận "Thuế tối thiểu toàn cầu" nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017, đến nay BEPS đã có hơn 140 quốc gia tham gia.

BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn, nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: Minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, không chỉ riêng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất lợi thế ưu đãi thuế trong thu hút FDI

Trụ cột thứ 2 của BEPS là Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, quy tắc này đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hằng năm.

Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế, nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế”, chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất cho đến 0% để thu hút đầu tư.

“Quy tắc này cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15%. Các doanh nghiệp phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính, chủ yếu là các nước phát triển xuất khẩu vốn. Điều này giúp vô hiệu hoá chính sách ưu đãi của các "thiên đường thuế"” - ông Đặng Ngọc Minh thông tin thêm.

Ở một góc độ nào đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mang ý nghĩa tích cực, tuy nhiên, theo bà Annett Perschmann-Taubert - một chuyên gia trong lĩnh vực thuế của PWC cho rằng: Một trong những yếu tố chính để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ trước đến nay chính là ưu đãi thuế. Nếu áp dụng mức thuế 15% theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia (thuộc đối tượng điều chỉnh của quy tắc Trụ cột số 2), bởi đơn giản, mức thuế mà doanh nghiệp phải chịu dưới 15% tại quốc gia đầu tư thì sẽ được nâng lên tại các quốc gia mà tập đoàn đó có trụ sở chính và tập đoàn FDI lớn sẽ chịu tác động chính từ quy định này.

Nên nếu Chính phủ không thay đổi quy định thuế trong nước sẽ khiến thất thu thuế bởi các lợi ích từ các FDI tại Việt Nam, rất có thể các doanh nghiệp FDI sẽ quay trở về nộp thuế và đầu tư tại quốc gia của họ.

“Khi đó, Việt Nam có thể sẽ thua trong cuộc đua thu hút FDI, bởi khi đó ưu đãi thuế của Việt Nam không còn hấp dẫn và các FDI lớn sẽ có thể lựa chọn các quốc gia khác ngoài Việt Nam” - bà Annett Perschmann-Taubert khẳng định.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu có thể được áp dụng vào năm 2023

Các quốc gia trong khu vực ứng xử thế nào với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu?

Bà Hương Vũ – Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam - cho rằng: Thực tế, rất nhiều quốc gia châu Á và trong khu vực đã đi trước và áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ khác ngoài ưu đãi thuế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tại Trung Quốc, quốc gia này cho phép doanh nghiệp cư trú được phép khấu trừ 175% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đủ điều kiện cho mục đích tính thuế. Còn doanh nghiệp công nghệ cao và công nghệ mới có thể được chuyển lỗ đến 10 năm cho mục đích tính thuế.

Tại Ấn Độ, người nộp thuế tham gia vào kinh doanh công nghệ sinh học, sản xuất, chế tạo các sản phẩm đủ điều kiện được áp dụng khoản khấu trừ 100% đến 150% chi tiêu R&D nội bộ, bao gồm chi phí vốn (trừ chi phí đối với đất đai và nhà cửa), các khoản thanh toán cho công ty, hiệp hội nghiên cứu khoa học, trường đại học, cao đẳng hoặc tổ chức nghiên cứu khoa học và thống kê khác. Quốc gia này cũng áp dụng trợ cấp lãi suất cho nhu cầu vốn R&D và ưu đãi cho các trung tâm R&D độc lập.

Với Singapore, người nộp thuế được hưởng khoản giảm trừ bổ sung 250% chi phí R&D đối với các dự án R&D đáp ứng điều kiện trong giai đoạn 2019-2025. Lỗ chưa được bù trừ hết sẽ được kết chuyển trong khoảng thời gian không giới hạn; trợ cấp bằng tiền cho các chi phí R&D đủ điều kiện để xây dựng hoặc mở rộng phòng thí nghiệm đổi mới và phát triển tài năng trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ tài chính thông qua các chương trình hỗ trợ. Mức hỗ trợ tùy thuộc theo các chương trình và cao nhất đạt mức 70% tổng chí phí R&D.

Với Thái Lan, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi khấu trừ bổ sung 100% chi phí (khấu trừ hai lần) đối với chi phí R&D chi trả cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà cung cấp dịch vụ R&D tư nhân; các ưu đãi khác của gói ủy ban đầu tư bao gồm cấp thị thực và giấy phép lao động không giới hạn cho lao động nước ngoài đủ điều kiện; tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp có dự án R&D.

“Trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm về các khoản hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ về trông giữ trẻ cho công nhân và một số hỗ trợ khác. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực, có thể lượng hóa và so sánh được nên Chính phủ cần cân nhắc” - bà Hương Vũ thông tin thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, FDI là nguồn vốn quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo đó, trong bối ảnh ưu đãi thuế không còn là lợi thế, Việt Nam có thể tính đến các hình thức ưu đãi khác để giữ chân và thu hút được nguồn vốn FDI, nhất là FDI từ các tập đoàn toàn cầu như Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 vừa được Chính phủ Việt Nam thông qua. Tuy nhiên, nếu thực hiện các ưu đãi hỗ trợ không khéo sẽ gây ra tác dụng ngược, thậm chí ảnh hưởng đến các rủi ro về phòng vệ thương mại. Vì thế, cần cân nhắc rất kỹ khi thực hiện các ưu đãi trong thu hút FDI.

Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: Thuế tối thiểu toàn cầu

Tin cùng chuyên mục

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khai trương chi nhánh mới tại Thanh Hóa

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng 17,3%

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Manulife mở rộng quy mô chương trình 'Sống Sạch - Sành - Xanh', khuyến khích người dân ‘khoe’ lối sống khỏe

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'