An toàn lao động: Bắt đầu từ ý thức của mỗi người
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn), công tác bảo đảm ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ (PCCN) được đặt lên hàng đầu. Những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đều được kiểm định theo quy định của pháp luật; trang thiết bị và phương tiện PCCC thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng; nước dự trữ chữa cháy, bình bọt, bình cứu hỏa, xe cứu hỏa được trang bị đầy đủ tại các vị trí sản xuất, theo tiêu chí "dễ thấy, dễ lấy”.
An toàn lao động giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, phát triển bền vững |
Còn với Công ty CP Toyota Vinh (Nghệ An), luôn trang bị đầy đủ giày, quần áo, găng tay, mũ, kính, mặt nạ cho người lao động; tổ chức kiểm tra, thử nghiệm, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức diễn tập về PCCC; có tủ thuốc và phương tiện kỹ thuật, ứng cứu khi xảy ra TNLĐ; đo kiểm môi trường tại nơi làm việc, lắp hệ thống hút bụi; bồi dưỡng bằng sữa tươi giữa buổi 3 lần/tuần cho người lao động làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm…
Việc bảo đảm ATVSLĐ đã giúp các doanh nghiệp (DN) kể trên tăng năng suất lao động, phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có được ý thức như hai DN trên. Bởi thực tế, nhiều DN chưa chú trọng tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ, thậm chí không bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ…
Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động về các quy định của pháp luật còn hạn chế. Nhiều lao động không biết hoặc không nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, nên không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để đảm bảo DN thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, TNLĐ sẽ xảy ra, gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động và để lại những “vết thương” khó lành cho gia đình, xã hội. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn lao động cần thực hiện hàng ngày, hàng giờ tại từng DN và trong ý thức của từng người lao động.
Để cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động khi tham gia sản xuất, ngành lao động, thương binh và xã hội, các tổ chức công đoàn, các địa phương… cần tích cực trong việc tổ chức thanh, kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho công nhân; chú trọng tập huấn, huấn luyện an toàn ở những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất độc hại, nguy hiểm… Từ đó, xây dựng môi trường làm việc an toàn, để người lao động phát huy năng lực, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Để công tác ATVSLĐ thực sự được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và người lao động về mục đích ý nghĩa, nội dung và tác dụng việc bảo đảm ATVSLĐ. Công tác ATVSLĐ phải được coi trọng đến từng chi tiết nhỏ, công tác phòng ngừa là chủ yếu. Do vậy, người lao động phải được tập huấn kỹ lưỡng, am hiểu đầy đủ các quy định, quy trình của công tác ATVSLĐ - PCCN. Đồng thời, DN cũng cần củng cố lại bộ máy làm công tác ATVSLĐ; trang bị và bắt buộc người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong thời gian lao động. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATVSLĐ để tăng tính răn đe.
DN cần đặt vấn đề an toàn lao động vào đúng vai trò, vị trí trong câu chuyện kinh doanh của mình. Để chuyên nghiệp hóa, cần bố trí cán bộ chuyên môn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, hội thảo để hiểu đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật làm cơ sở tham mưu cho giám đốc DN thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động vừa tuân thủ các quy định về pháp luật lao động cho người lao động, như: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ phép hàng năm, huấn luyện công tác ATVSLĐ... |