An sinh xã hội: Công cụ góp phần chống biến đổi khí hậu
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức buổi giới thiệu “Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2024 - 2026”.
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, mối đe dọa của biến đổi khí hậu và những thách thức dai dẳng gắn với tính phi chính thức và thay đổi nhân khẩu học.
Báo cáo cho thấy diện bao phủ của an sinh xã hội của khu vực đang có chuyển biến tích cực, tuy nhiên sự không đồng đều về tiến độ và tính bền vững tài chính, cùng với sự cần thiết phải giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu làm nổi bật nhu cầu cải thiện hệ thống một cách toàn diện.
Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2024 - 2026 cập nhật nhiều xu hướng mới của thế giới mà Việt Nam cần quan tâm. Ảnh: Quang Lộc |
Theo ông Andre Gama, Giám đốc chương trình an sinh xã hội của ILO, hai sáng kiến quan trọng được Báo cáo nhấn mạnh là các xu hướng toàn cầu mới về an sinh xã hội và khung kết nối giữa an sinh xã hội và biến đổi khí hậu.
“An sinh xã hội cần được coi là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế chứ không chỉ là bảo đảm công bằng. “Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2024 – 2026” là một nghiên cứu quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo để thực thi an sinh xã hội hiệu quả hơn trong bối cảnh mới”, ông Andre Gama nhấn mạnh.
Thế giới hiện đang ở hai quỹ đạo an sinh xã hội rất khác nhau và ngược hướng: các nước thu nhập cao đang tiến gần hơn đến việc đạt diện bao phủ toàn dân (đạt mức 85,9%) và các nước thu nhập trung bình cao (71,2%), các nước thu nhập trung bình thấp (32,4%) đang có những bước tiến lớn trong việc thu hẹp khoảng trống bao phủ. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của các nước thu nhập thấp (9,7%) hầu như không tăng kể từ năm 2015.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, thực tiễn cho thấy an sinh xã hội có vai trò trọng yếu hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh. Bởi vậy các chính sách an sinh xã hội cần được tăng cường, định hướng bởi các tiêu chuẩn an sinh xã hội quốc tế và hỗ trợ bởi đối thoại xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Đạt, chuyên gia ILO lưu ý khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn còn thấp hơn các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp tai nạn lao động. Để giải quyết vấn đề này theo ông Đạt, cần mở rộng nhanh độ bao phủ về an sinh xã hội cho người lao động trong mọi loại hình việc làm, cả lao động khu vực phi chính thức, lao động nền tảng và lao động di cư. Đồng thời mở rộng và nâng cao chế độ an sinh xã hội để bảo đảm mức hưởng thoả đáng phù hợp với Công ước C102 của ILO…
Liên quan đến công tác an sinh xã hội tại Việt Nam, GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế và Quản lý công (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) lưu ý xu hướng già hoá dân số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ trong khi nguồn lực tài chính rất hạn chế.
Ông Long kiến nghị cần thống nhất, hài hòa các chính sách và chế độ an sinh xã hội, trong đó đồng bộ, thống nhất các chính sách pháp luật ở: Luật Bảo hiểm xã hội - chế độ bảo hiểm xã hội (tử tuất, ốm đau, thai sản); Luật Việc làm – bảo hiểm thất nghiệp; Luật Người cao tuổi – chế độ hưu trí xã hội; Luật Phòng chống thiên tai – chế độ trợ giúp khẩn cấp; Luật Trẻ em – chế độ trợ giúp trẻ em (không đóng góp); Luật Người khuyết tật – chế độ trợ giúp người khuyết tật… Từ đó khắc phục tính tản mát , chồng chéo và thực sự thích ứng với tình trạng già hoá dân số.