Ai sẽ giải oan cho thịt gà?
Những quán cơm gà, cửa hàng đồ ăn chế biến từ thịt gà đóng cửa kín mít; những sạp hàng bán gà ế ẩm, đìu hiu, tiểu thương mòn mỏi ngóng khách... là hình ảnh đáng buồn ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) những ngày qua.
Điều này xảy ra sau khi thành phố liên tiếp xảy ra ba vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt gà với hơn 400 nạn nhân. Một con số ngộ độc rất hiếm gặp ở một địa phương và rất đáng quan ngại khi xảy ra tại một thành phố du lịch nổi tiếng.
Quán cơm gà Trâm Anh, nơi liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang. (Ảnh: Đức Thảo) |
Đầu tiên là vụ 369 người bị ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh - một trong những cơ sở ăn uống nổi tiếng.
Một tuần sau, 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà bên ngoài nhà trường.
Đến ngày 5/4, ngành chức năng lại tiếp tục ghi nhận hàng chục học sinh ở phường Vĩnh Trường nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc do ăn sáng với nhiều món khác nhau, trong đó có cơm gà tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và từ người bán hàng rong.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc; tuy nhiên trên mạng xã hội lại xuất hiện một số thông tin tiêu cực về thịt gà. Những tin đồn vô căn cứ khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm.
Gà ế từ chợ đến quán ăn... Sự ngưng trệ của thị trường đã ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ những người sản xuất, buôn bán chân chính.
Sau sự việc, không thể phủ nhận sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng địa phương. Điển hình là việc tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm, đặc biệt là các kho lạnh; xử phạt trường hợp thông tin sai sự thật liên quan đến thịt gà...
Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là "ngọn" của vấn đề. Một ngày "thủ phạm" đích thực của vụ ngộ độc chưa được "đưa ra ánh sáng" là một ngày thị trường nối dài chuỗi đìu hiu.
Bao giờ mới có câu trả lời xác đáng? Bao giờ nguyên nhân được công bố công khai?
Rõ ràng đây mới là "gốc rễ" cần giải quyết để ổn định tâm lý người tiêu dùng, để gà không bị "tẩy chay oan".
Một số quán ăn về gà tại TP. Nha Trang đóng cửa vì ế ẩm. (Ảnh: Đức Thảo) |
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cần thực hiện liên tục, thường xuyên, bất ngờ với tinh thần "lúc nào cũng cao điểm". Đừng để tiếp diễn tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"!
Đây cũng là bài học đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần thay đổi tư duy trong làm ăn. Tư duy "tham bát bỏ mâm", "khuất mắt trông coi", chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, nhắm mắt làm ngơ với những yêu cầu chất lượng cần phải được loại bỏ.
Còn về phía người dân, hãy là người tiêu dùng thông minh. Sự cẩn trọng là cần thiết, nhưng không nên "quay lưng" với thịt gà, sản phẩm từ gà có nguồn gốc rõ ràng, được bày bán ở cửa hàng có uy tín.
Bởi thực tế, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua đã được xác định nguyên nhân là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ đúng quy định trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm; nguồn nước không bảo đảm vệ sinh...
Bên cạnh đó, khi tiếp nhận một tin "nóng sốt", người tiêu dùng nên tỉnh táo tự kiểm chứng. Điều này sẽ giúp bản thân tránh được việc lầm tin người khác hoặc bị lợi dụng tiếp tay lan truyền thông tin thất thiệt. Giúp hạn chế sự lo lắng cho bản thân, gia đình, cộng đồng; góp phần giúp cơ quan chức năng quản lý hoạt động bình ổn thị trường và kinh tế - xã hội tốt hơn.