55,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2021, nhằm nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á, châu Đại Dương. Cuộc khảo sát tiến hành với 14.175 doanh nghiệp, trong đó có 4.635 doanh nghiệp có câu trả lời hợp lệ. Tại Việt Nam, cuộc khảo sát tiến hành với 1.883 doanh nghiệp, trong đó 702 doanh nghiệp có câu trả lời hợp lệ. Với tỷ lệ này, Việt Nam trở thành nước có số doanh nghiệp tham gia có câu trả lời hợp lệ đông nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
|
Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 25/8/2021 - 24/9/2021. Theo ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội: Khoảng thời gian này trùng với thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp xã hội nghiêm ngặt, do đó có nhiều yếu tố không tốt ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Cụ thể, theo ông Takeo Nakajima, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam báo có lãi trong năm 2021 là 54,3%, thấp hơn bình quân của khu vực ASEAN với 57%, tuy nhiên tỷ lệ này cũng cao hơn của năm 2020 với khoảng 50%, điều đó cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam có lãi đã được cải thiện đáng kể. Về triển vọng lợi nhuận trong năm 2022 so với năm 2021, tại Việt Nam, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 56,2% và “suy giảm” là 9,6%. Theo đó, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam sẽ được cải thiện trong năm 2022.
Về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ “mở rộng” là 55,3%. Đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này cao, chỉ sau Ấn Độ với 70,1%; Bangladesh 68,0% và Pakistan với 67,4%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ “thu nhỏ” hoặc “chuyển", rút sang quốc gia (khu vực) thứ 3 là 2,2%, giảm 3,9 điểm so với năm trước.
Ông Takeo Nakajima cho rằng, so với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ "thu nhỏ" hoạt động sản xuất tại Việt Nam là thấp, chỉ sau Pakistan, điều đó cũng cho thấy Việt Nam vẫn chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, một trong những lý do khiến doanh nghiệp Nhật Bản quyết định sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm: Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng vào tăng doanh thu tại thị trường sở tại; tiềm năng và tăng trưởng cao; tăng doanh thu do mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam |
Đánh giá về sức hấp dẫn và những vấn đề về môi trường đầu tư tại Việt Nam, 69,3% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam có quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng, tỷ lệ này tăng 3,0 điểm so với năm trước; 61,4% doanh nghiệp cho biết Việt Nam có lợi thế về chính trị ổn định, giảm 4,3 điểm so với năm trước và 56,9% doanh nghiệp cho rằng Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ, tăng 0,4 điểm so với năm trước.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 3 sau Singapore (dẫn đầu) và Hàn Quốc (đứng thứ 2), với tổng vốn đăng ký đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021.
Năm 2022, theo dự báo của ông Takeo Nakajima, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn, đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có 25 thỏa thuận đầu tư được ký kết với tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ USD, đây chính là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn Nhật Bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Mặc dù có những lợi thế nhất định, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ cũng đang phải đối mặt với những thách thức do giá nhân công tăng nhanh thời gian gần đây, cùng với đó là tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất có thể xảy đến khi lao động về quê do dịch Covid-19, điều này cũng ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh trong nước. Ngoài những yếu tố trên, thì chính sách thuế, thủ tục hành chính thiếu minh bạch, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao… cũng là những vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, mong muốn được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng của tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Nhật Bản có hai xu hướng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, thứ nhất là để hướng vào thị trường nội địa và thứ 2 là hướng vào thị trường xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do. |