Đầu tư thiết bị hiện đại trong sản xuất sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm |
Cơ hội bứt phá
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, nhận thấy rõ KH&CN là một trong những con đường ngắn nhất để bứt phá, cùng với cơ hội trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều DN mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ví dụ, thông qua dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) đã làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ôtô khách. Từ đó, rút ngắn khoảng cách trình độ thiết kế và công nghệ chế tạo ôtô của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của xe khách lên đến 61%. Chất lượng nội thất tương đương sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc trong khi giá thành chỉ bằng 50 - 60%. Hiện sản phẩm xe khách giường nằm cao cấp do Thaco sản xuất chiếm lĩnh hơn 85% thị phần trong nước và có khả năng xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Đào Thúy Hà – Trưởng phòng Marketing, Công ty CP Traphaco - cho biết, DN đã khánh thành nhà máy sản xuất thuốc tân dược hiện đại, thông minh nhất Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất.Dây chuyền sản xuất thuốc ứng dụng công nghệ thông tin, được đầu tư đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn.
Giúp sức cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển một cách nhanh chóng và bền vững. Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng đầu tư cho KH&CN của DN mới chỉ khoảng 1% GDP và chỉ tập trung vào các DN lớn. Còn khu vực DN tư nhân, đặc biệt DN nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D).
Về vấn đề này, Chính phủ cũng như Bộ KH&CN đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong DN. Việc xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới KH&CN; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua việc hình thành Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình KH&CN quốc gia… Đây là những kênh tài chính cung cấp khoản tài trợ, hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh tín dụng, giúp DN tiến hành hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nỗ lực thu hút, khuyến khích DN tham gia vào hoạt động KH&CN cũng được các bộ, ngành quan tâm và xây dựng thành những chương trình hỗ trợ như: Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 của Bộ Công Thương; Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Dù vậy, trong hoạt động đổi mới công nghệ, DN phải đóng vai trò chủ động, đưa ra những kế hoạch, quyết sách chuẩn xác để đầu tư đổi mới công nghệ sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ; khuyến khích thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với DN; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa... |