Thứ sáu 22/11/2024 17:10

Xuất nhập khẩu hàng hóa: Nhiều tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2024

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu hàng hóa đón tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2024.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh là một trong những thông tin được đưa ra trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 diễn ra chiều 1/2/2024. Đây là buổi họp báo thường kỳ Chính phủ cuối cùng trong năm âm lịch Quý Mão, ngay trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần.

Xuất nhập khẩu hàng hóa, tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2024

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 2,92 tỷ USD. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đạt 347 triệu USD, tăng 86,1% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới 2024, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; tập trung chỉ đạo điều hành dứt khoát, rõ ràng, làm việc nào dứt việc đó. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.

Cụ thể, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6 - 81% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%... Mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng tốc báo hiệu một năm khả quan.

Đáng chú ý, trong danh sách chính thức về các doanh nghiệp trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1/2024, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu. Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm Vinafood 1, Vinafood 2, Lộc Trời, Công ty TNHH lương thực Phát Tài, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green và Xuất nhập khẩu Kiên Giang đã trúng tổng cộng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu là động lực quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nhiều năm qua nhưng cũng cần nghĩ đến việc đa dạng hóa thị trường bởi các thị trường truyền thống của Việt Nam đang giảm sút.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ vấn đề bất ổn nào xảy ra tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, muốn giữ vững đà tăng trưởng thì cần đa dạng hoá thị trường. Ngoài sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Linh kiện, điện thoại, thiết bị di động,… Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển những mảng khác như đồ nội thất hay nông sản.

Muốn gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng này cần nâng cao sản lượng và giảm chi phí. Chẳng hạn như cách Malaysia bán sầu riêng cho Trung Quốc. Cần đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, có năng suất cao hơn và ưu tiên phát triển hạ tầng.

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng do căng thẳng ở Biển Đỏ đẩy giá cước vận chuyển biển tăng cao kỷ lục.

Trong công tác thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch....

Riêng về thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đây là thị trường có hơn 1,4 tỷ dân, sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Nhưng muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu.

Ngoài Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định Mỹ, Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm. Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Đồng thời, tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Khởi đầu năm mới 2024, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 200 triệu USD).

Đáng chú ý, với kim ngạch kể trên, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong nửa đầu tháng 1/2024 cao hơn 610 triệu USD so với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhiều năm qua, điện thoại và linh kiện luôn giữ vị trí nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, nhóm này bị đẩy xuống thứ hai bởi nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Đứng vị trí thứ hai là nhóm hàng chủ lực máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng trưởng xuất khẩu khá, chiếm khoảng 15% kim ngạch cả nước.

Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (từ ngày 1-15/1), xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng hơn 400 triệu USD).

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu hàng hóa

Tin cùng chuyên mục

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước