Xuất khẩu thủy sản trên đường về đích 10 tỷ USD
Dù một số thị trường chủ lực như Mỹ, Anh đã giảm nhập thủy sản Việt Nam từ vài tháng qua do tác động của lạm phát, nhưng ngành xuất khẩu này vẫn tự tin cán đích 10 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khả quan trong những tháng gần đây. Trong ảnh: Chế biến hàng xuất khẩu tại CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản. Cần Thơ Ảnh: Đ.T |
Xuất khẩu sẽ cán đích 10 tỷ USD
Mỹ, Anh và một số thị trường trong khu vực châu Âu đã giảm nhập khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm, từ vài tháng trước do tác động không mong muốn của lạm phát. Những chỉ dấu của xuất khẩu trở nên khó hơn đã xuất hiện như dự báo của các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, nhưng ngành thủy sản vẫn đang tiến dần về đích với mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là 10 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, ngành thủy sản vẫn đạt doanh thu xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước đó.
Lũy kế đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 7,63 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ, đồng thời duy trì mức tăng 2 con số tại các thị trường chính, như xuất sang Mỹ đạt 1,63 tỷ USD, tăng 25,6%; sang Nhật Bản đạt 1,12 tỷ USD, tăng 28%; sang Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD, tăng 82,8%; sang EU đạt 941 triệu USD, tăng 42%...
Như vậy, chỉ còn 2,4 tỷ USD nữa là ngành có thể cán đích mục tiêu. Khả năng vượt 10 tỷ USD cũng trong tầm tay, nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh suốt từ đầu năm đến nay.
Xuất khẩu thủy sảncủa Việt Nam năm 2022 đặt mục tiêu 10 tỷ USD. Trong đó, tôm dự kiến đạt trên 4 tỷ USD, cá tra trên 2,5 tỷ USD, cá ngừ khoảng 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc 800 triệu USD, còn lại là nhóm phẩm từ các loài cá biển khác. |
Con tôm, vốn đóng góp khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản dù ghi nhận dấu hiệu giảm tốc tại Mỹ, Anh, nhưng sau chặng đường 8 tháng vẫn mang về hơn 3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ.
Sau tôm là cá tra cũng có nhiều tín hiệu tích cực về sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính yếu. Trong 8 tháng qua, cá tra đã mang về doanh thu xuất khẩu 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước - một con số lạc quan cho các doanh nghiệp ngành hàng này.
Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thông tin, xuất khẩu cá tra trong 3 tháng gần đây đã tụt dần khỏi mức đỉnh 310 triệu USD hồi tháng 4/2022, nhưng đã có xu hướng hồi phục trở lại từ tháng 8/2022. Trong tháng 8/2022, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có tín hiệu tích cực, với xu hướng cao hơn so với tháng 7. Trong đó, xuất sang Trung Quốc tăng hơn 37% so với tháng trước đó, đạt gần 61 triệu USD.
Tín hiệu đáng mừng hơn cả là giá xuất khẩu cá tra bình quân sang các thị trường trong 8 tháng đầu năm nay đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá xuất sang Mỹ đạt bình quân 4,64 USD/kg, sang Trung Quốc đạt 2,47 USD, Mexico 2,75 USD, sang Thái Lan đạt 2,15 USD và sang Brazil đạt 3,20 USD/kg.
“Dự báo nhu cầu tiêu dùng cá tra của các thị trường sẽ tăng trở lại trong những tháng tới. Theo đó, biến động tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Hội chợ Vietfish tổ chức gần đây cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu sang một số thị trường”, bà Lê Hằng cho biết.
Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mức kỷ lục 2,5 - 2,6 tỷ USD, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2021.
Xuất khẩu cá ngừ cũng tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 729 triệu USD. Nhóm sản phẩm từ các loài cá biển khác mang về kim ngạch 1,35 tỷ USD, tăng 23%. Những sản phẩm như cá cơm, cá nục, cá hồi, surimi đóng góp doanh số từ 100 - 300 triệu USD trong 8 tháng qua.
Tín hiệu phục hồi xuất khẩu trong quý IV/2022
Cuối tháng 8/2022 đánh dấu sự trở lại rất hoành tráng của Triển lãm Thủy sản quốc tế (Vietfish). Đây là sự kiện lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Lượng khách hàng đông kỷ lục tại Vietfish 2022 báo hiệu những kết quả bội thu hơn cho doanh nghiệp trong ngành.
Từ đầu năm đến nay, có nhiều yếu tố thuận lợi cho sản xuất cá tra, nên doanh số của các doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, với gần 294 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều công ty sản xuất cá tra tăng doanh số xuất khẩu, như Biển Đông Seafood tăng 36%, Nam Việt tăng 52%, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang tăng 50%...
Các doanh nghiệp tôm và hải sản cũng hoạt động linh hoạt và tận dụng cơ hội thị trường để tăng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng tăng 17%, đạt 240 triệu USD, đứng trong Top 3. Tiếp đến là các công ty Minh Phú Hậu Giang, CASES, FIMEX Việt Nam, Thuận Phước, với mức tăng doanh thu xuất khẩu từ 19 đến 47%.
Nhiều doanh nghiệp hải sản như Hải Việt, Hải Long Nha Trang, Bidifisco, Hải Nam tăng doanh số từ 19 - 56% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, lạm phát ở Mỹ vẫn cao, nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc, trong khi châu Âu gặp khủng hoảng năng lượng. Cả 3 thị trường lớn này đều có những vấn đề khiến một số lo ngại về triển vọng xuất khẩu có khả năng sụt giảm trong quý IV/2022, thậm chí cả đầu năm 2023. Dẫu vậy, nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu đạt cao từ đầu năm đến nay, nên ngành thủy sản vẫn tự tin về đích xuất khẩu 10 tỷ USD.