Xuất khẩu thủy sản sụt giảm, VASEP đề xuất gì?
Thiếu đơn hàng trầm trọng trong quý II
Trong các tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm ở hầu hết các thị trường chính. Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như phản ánh của doanh nghiệp thủy sản, quý I/2023 ngoài số đơn hàng giảm 20-50% (tùy nhóm sản phẩm), nhiều mặt hàng thủy sản cũng ghi nhận giá xuất khẩu giảm so với năm 2022. Từ đó dẫn tới tồn kho tăng cao ở nhiều doanh nghiệp. Thậm chí tình hình các đơn hàng mới cho quý II/2023 cũng chỉ đạt 30-60% so với quý 2 năm ngoái.
Viêc xuất khẩu thủy sản đang đối diện thách thức lớn từ sự sụt giảm cầu ở các thị trường |
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang)- cho biết, hiện thị trường truyền thống của công ty là EU không có đơn hàng mới, còn thị trường Trung Quốc lại xuất hiện thêm nhiều rào cản kỹ thuật… Do vậy công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc hơn 1 tháng nay và duy trì một số hoạt động chính để tìm kiếm khách hàng mới.
Tuy nhiên theo bà Ánh, quá trình tiếp cận thị trường mới cũng không dễ. Điển hình như tại Trung Đông, cuối năm 2022 công ty ký được đơn hàng với đối tác Trung Đông. Khi hàng tới cảng nhà nhập khẩu lấy lý do tồn kho, chưa bán hết hàng nên không chịu nhận hàng. “Chúng tôi buộc phải để hàng lưu kho tại cảng, dẫn tới chi phí tăng và phải thương lượng với đối tác để họ có phương án nhận hàng”- bà Ánh chia sẻ.
Thực tế những diễn biến thị trường không thuận lợi đang khiến không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho; thiếu dòng tiền để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông-ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn. Hệ lụy này là đáng quan ngại không chỉ cho trước mắt, mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 nếu thị trường hồi phục mà nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng.
Cần nhiều giải pháp cho cả trung và dài hạn
Với khó khăn này, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tổ chức ngày 25/4, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP kiến nghị: Trước mắt, Bộ Công Thương xem xét và ủng hộ chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy-hải sản mà VASEP đã báo cáo-đề xuất với Thủ tướng ngày 13/4/2023. “Việc này tạo tâm lý chung tốt cho nông-ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu. Chương trình đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ VNĐ với lãi suất thấp để doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua - trữ nguyên liệu”- ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP đề xuất nhiều giải pháp để gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản |
Liên quan đến “room” tín dụng và lãi suất ngân hàng, theo ông Nam, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và hiện tại đang ở mức cao 4,2-4,9% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất-xuất khẩu. Điểm quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến doanh nghiệp khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu (tôm, cá...) cho bà con nông-ngư dân trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I, II/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo của năm 2023.
Ngoài ra, đối với thị trường Trung Quốc - nơi còn nhiều dư địa gia tăng thị phần cho thủy sản, ông Nam kiến nghị Bộ Công Thương có các hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường địa phương lớn của Trung Quốc với những đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau. Trong đó, trước mắt cần bổ sung ngân sách cho hoạt động xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc, cụ thể là Hội chợ thủy sản hàng năm tại Thanh Đảo (trung tâm hội chợ Thủy sản lớn tại Trung Quốc).
Bên cạnh đó, hiện nay ở Hàn Quốc chi phí để có được hạn ngạch nhập khẩu tôm theo hiệp định VKFTA thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến 14-16% so với giá trị nhập khẩu và mức này xấp xỉ với mức thuế nhập khẩu 20% đối với khối lượng tôm nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Việc này làm tăng giá và khó cạnh tranh ở thị trường. Hậu quả là các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định, và họ đang xem xét mua tôm từ các quốc gia khác như Peru, là nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% và không bị áp hạn ngạch... “Chính phủ và các Bộ cần rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong VKFTA (giống như Peru)”- ông Nam đề xuất.
Một điểm đáng chú ý, theo ông Nam, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệungành/sản phẩm cho sản phẩm thủy sản chủ lực. Trong khi đó có thương hiệu sẽ là một bước tiến không chỉ giải quyết một số thách thức thị trường hiện nay mà còn thêm một tầm năng lực mới để thâm nhập thị trường tốt hơn. Từ đó, ông Nam cho rằng cần triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý IV/2023.