Chủ nhật 24/11/2024 23:20

Xuất khẩu tăng, chủ động ứng phó phòng vệ thương mại từ thị trường Hàn Quốc

Việc thực thi các FTA hiệu quả, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sẽ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Thách thức xuất khẩu

Tại Báo cáo thương niên phòng vệ thương mại năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết tháng 6/2022, Hàn Quốc đã điều tra tổng cộng 171 vụ việc và áp dụng 108 biện pháp phòng vệ thương mại. Hàn Quốc chưa tiến hành điều tra chống trợ cấp lần nào.

Doanh nghiệp cần chủ động với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành điều tra 4 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong đó tất cả là điều tra chống bán phá giá. Năm 2022, Hàn Quốc không khởi xướng vụ việc điều tra mới liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử, ngày 29/10/2021, Hàn Quốc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam. Tháng 6/2022, Cơ quan điều tra đã ban hành quyết định cuối cùng và áp thuế chống bán phá giá từ 9,98% đến 14,78% đối với sản phẩm này của Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu ống đồng vào Hàn Quốc năm 2020 đạt 126,7 triệu USD, tăng 17,9% so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đứng đầu với kim ngạch đạt khoảng 58,5 triệu USD, tăng 75,1%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 49,3 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 91,1 triệu USD.

Ngày 3/12/2019, Hàn Quốc quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm gỗ dán (gỗ Plywood) của Việt Nam, dựa trên khiếu nại của Hiệp hội Sản xuất gỗ Hàn Quốc. Ngày 6/7/2023, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc tiến hành rà soát cuối kỳ để đánh giá sự cần thiết của việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán ép có xuất xứ từ Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn nhất của Việt Nam ở châu Á ngoài Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc đạt 222,1 triệu USD, chiếm trên 31% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam trong năm 2019 là 712,51 triệu USD.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. "Vì thế, việc sản phẩm gỗ Việt Nam bị Hàn Quốc điều tra phòng vệ thương mại không nằm ngoài xu hướng đó, khi xuất khẩu gỗ vào thị trường này không ngừng tăng trưởng. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Hàn Quốc" - ông Hoài nói.

Tăng cảnh báo, bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Ngay sau các vụ việc bị Hàn Quốc khởi xướng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đều đưa ra khuyến nghị và có những hỗ trợ kịp thời tới doanh nghiệp, ngành sản xuất theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến vụ việc; thu thập, tìm hiểu thông tin từ đối tác tại Hàn Quốc; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra Hàn Quốc cũng như thường xuyên trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình vụ việc.

Đánh giá về sự hỗ trợ này, ông Ngô Sỹ Hoài cho hay, Cục Phòng vệ thương mại đã có sự đồng hành, sát cánh rất tích cực với các doanh nghiệp gỗ. Thông qua việc hỗ trợ hướng dẫn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp thực hiện các khai báo, làm các phản biện, tham gia các cuộc điều trần để chứng minh sản xuất của ngành gỗ không vi phạm về chống bán phá giá; chống trợ cấp, né tránh thuế chống bán phá giá.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, diễn ra theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Không chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.

Mặc dù không phải là thị trường có số lượng điều tra phòng vệ thương mại nhiều đối với hàng hoá Việt Nam, tuy nhiên, việc Việt Nam và Hàn Quốc đang triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì vậy nguy cơ hàng hoá xuất khẩu Việt Nam bị khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường là khó tránh khỏi.

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ các thị trường xuất khẩu trong đó có Hàn Quốc; ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển đề xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba Cục Phòng vệ thương mại đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới… nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc

Nhiều chuyên gia quốc tế lạc quan về Hiệp định RCEP trong thời gian tới

4 năm ký kết Hiệp định RCEP: Cánh cửa mới mở ra cho doanh nghiệp Việt

Mỹ: Ngành công nghiệp ô tô thay đổi ra sao sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống

Hãng thông tấn Nhà nước UAE có bài nêu bật ý nghĩa chiến lược của Hiệp định CEPA

Báo chí trong nước đưa tin đậm nét mốc lịch sử Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định CEPA

Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA

Lâm Đồng: Tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin về hội nhập quốc tế

Miền Trung - Tây Nguyên tăng cường thực thi các hiệp định thương mại tự do

Các FTA đã giúp hàng hóa Việt Nam đi sâu vào thị trường lớn trên thế giới

5 nút thắt của ngành da giày trong tận dụng hiệu quả các FTA

RCEP: Hơi thở mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á

Những lưu ý về phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới

Đào tạo chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới

Đẩy mạnh thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế nâng cao vị thế, uy tín của Bộ Công Thương

Thực thi FTA thúc đẩy các thành tựu cải cách kinh tế của Việt Nam

Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng tốt hơn EVFTA

Hiệp định EVFTA hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Xây dựng hệ sinh thái, tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu da giày