EVFTA đưa quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam lên một tầm cao mới
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Stefan Stantejsky, phụ trách khu vực Châu Á và Châu Đại Dương - Phòng Kinh tế Áo (WKÖ) khẳng định, EVFTA đã đưa quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là một hiệp định rất toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường và giúp các sản phẩm của Áo cạnh tranh hơn tại Việt Nam, và ngược lại.
Ông Stefan Stantejsky, phụ trách khu vực Châu Á và Châu Đại Dương - Phòng Kinh tế Áo (WKÖ) |
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Áo, kim ngạch thương mại song phương giữa Áo và Việt Nam đạt 1,62 tỷ EUR vào năm 2023, tăng 36% so với năm 2020, khi hiệp định mới có hiệu lực.
Theo quan điểm của Áo, hiệp định EVFTA rất phù hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Áo. Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, EVFTA còn mang lại một số lợi ích khác, ví dụ như tự do hóa dịch vụ và mua sắm, giảm các rào cản thương mại phi thuế quan khác, cũng như các mục tiêu thương mại và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, cộng đồng người Việt tại Áo (khoảng trên dưới 7.000 người) tuy không lớn so với nhiều cộng đồng người Việt ở một số nước châu Âu khác, song hoạt động khá tích cực, đoàn kết, hướng về tổ quốc và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiểu biết, tăng cường giao lưu, gắn bó chặt chẽ giữa hai nước.
“Cho đến nay, các sản phẩm của Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều từ EVFTA. Các sản phẩm xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Áo là đồ điện tử, giày dép, hàng dệt may và may mặc... Một phần lớn trong số đó được sản xuất bởi các công ty nước ngoài sử dụng Việt Nam làm cơ sở sản xuất. Song song với đó, trong những năm gần đây, nhu cầu về nông sản và thủy sản ngày càng tăng từ người tiêu dùng Áo, những người đánh giá cao chất lượng và hương vị của hải sản, hạt điều, cà phê, gạo và trái cây Việt Nam” – ông Stefan Stantejsky chia sẻ.
Các sản phẩm xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Áo là đồ điện tử, giày dép, hàng dệt may và may mặc... (Ảnh: Cấn Dũng) |
Bà Đinh Thị Hoàng Yến - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia chia sẻ thêm, hiện Việt Nam đứng thứ 23 về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Áo, với trị giá 1,4 tỷ Euro, tăng 2,5% so với năm 2022 và chiếm thị phần 0,7%, trên cả Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 57 về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Áo với trị giá chỉ 206 triệu Euro, giảm 9,1% so với năm 2022 và với thị phần 0,1%.
Các doanh nghiệp Áo đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận tốt hơn với thị trường Việt Nam - đặc biệt là các lĩnh vực như máy móc, dược phẩm và công nghệ cao. Xuất khẩu của Việt Nam sang Áo tiếp tục tăng trưởng, góp phần củng cố quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam với các nước EU.
Nỗ lực hơn nữa để đưa tất cả các điều khoản của EVFTA vào thực tế
Song song với những lợi ích, ông Stefan Stantejsky chia sẻ, việc triển khai EVFTA là một quá trình liên tục và cần phải nỗ lực hơn nữa để đưa tất cả các điều khoản của EVFTA vào thực tế và xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường đối với các sản phẩm châu Âu tại Việt Nam.
Do đó, các công ty đa quốc gia từ Áo được khuyên nên nghiên cứu mạng lưới các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam để xác định cách thức tích hợp quốc gia này vào chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc chuỗi giá trị của họ. EVFTA đóng vai trò chính trong bối cảnh này. Các công ty thương mại và xuất khẩu nên xác định xem việc áp dụng EVFTA có mang lại lợi ích trong bối cảnh cụ thể hay không, ví dụ như thuế quan ưu đãi sẽ thấp hơn so với khi không có EVFTA. Hơn nữa, cần phải nghiên cứu các quy tắc xuất xứ và tài liệu chính xác để chứng minh xuất xứ và áp dụng Hiệp định. Đơn cử, các nhà xuất khẩu Áo phải sử dụng hệ thống xuất khẩu đã đăng ký (REX) để tận dụng các lợi ích của EVFTA.
"Khi chất lượng của sản phẩm xuất khẩu vào Áo tăng lên, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng gắn nhãn hiệu cho sản phẩm. Bởi vì hiện nay, người tiêu dùng ở Áo thường không biết rằng họ đang mua một sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam" - ông Stefan Stantejsky gợi ý.
Đánh giá về vai trò của Thương vụ Việt Nam tại Áo trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều, ông Stefan Stantejsky cho hay, Thương vụ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tiếp cận các doanh nghiệp Áo và tóm tắt cho họ về Việt Nam như một địa điểm để đầu tư và giới thiệu họ với các công ty Việt Nam như những nhà cung cấp và đối tác kinh doanh tiềm năng. Điều quan trọng là phải tiếp tục thông báo cho các công ty về những lợi ích cụ thể mà họ nhận được khi áp dụng EVFTA và hướng dẫn các công ty cách tận dụng những lợi ích này trong thực tế.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai các điều khoản của EVFTA để xóa bỏ các rào cản trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, dược phẩm và ô tô.
Đại sứ quán Việt Nam tại Áo thông tin thêm, sau thời gian đầu đi vào hiệu lực, EVFTA đã tạo những tác động tích cực đến thương mại Việt – Áo. Đến nay, các doanh nghiệp dường như đã khai thác khá sát sao các lợi thế định lượng mà Hiệp định mang lại, đặc biệt trong giảm thuế.
Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường giao thương với EU và Áo, doanh nghiệp Việt Nam cần phải bám sát thị trường, nắm chắc và khai thác những quy định về an toàn thực phẩm, về lao động, chống gian lận thương mại, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường ngày càng được áp dụng nhiều hơn và sâu hơn trong thương mại tại EU. Đây là yếu tố thể hiện các giá trị của châu Âu đồng thời cũng là công cụ kỹ thuật để khối này bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thị trường và thể chế của mình mà nếu không hiểu rõ, các doanh nghiệp ngoài khối sẽ không thể khai thác có hiệu quả Hiệp định này.