Thứ sáu 09/05/2025 08:49

Xuất khẩu phụ thuộc FDI: Cần ‘cú huých’ cho doanh nghiệp nội

Xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn FDI là vấn đề không mới, nhưng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn tại Việt Nam thời gian qua.

Khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu

Theo thống kê, những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn có sự ‘lấn át’ so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Giai đoạn từ 2018-2024, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI luôn chiếm tới trên 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2018, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xuất khẩu của khu vực FDI, kể cả dầu thô đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Không kể dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2018 đạt 173,2 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, năm 2024, xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt gần 290,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2023, chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 289,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2023, chiếm hơn 71,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh tăng trưởng mạnh về xuất khẩu của khu vực FDI, nhập khẩu của khu vực này cũng tăng trưởng không kém. Cụ thể, nhập khẩu khu vực FDI trong năm 2018 đạt 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Năm 2024, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI ước đạt gần 240,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2023 và chiếm 63,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, tính chung trong năm 2024, khu vực FDI xuất siêu gần 50,3 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD không kể dầu thô.

Trong bài phát biểu tại sự kiện Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nhắc đến vấn đề xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI thời gian gần đây.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.

Đây là những con số có vẻ ấn tượng, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % trong những giá trị đó?” - Tổng Bí thư đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trong xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp nội đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị?

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị những linh kiện này.

“Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng rằng, doanh nghiệp chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế”? - Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở.

Có lẽ, đây không phải là trăn trở của riêng Tổng Bí thư Tô Lâm, thực tế, việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trong xuất khẩu đã được nhắc đến tại nhiều diễn đàn những năm gần đây.

Tại Hội nghị công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã từng thẳng thắn chỉ rõ: Trên 70% giá trị xuất khẩu là từ khu vực doanh nghiệp FDI. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.

Cũng bày tỏ những trăn trở khi tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn rất ‘èo uột’ và đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp.

Để khắc phục những bất cập này trong năm 2025, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Việt Nam cần tạo ra ‘luồng khí mới’ trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước hoạt động.

‘Vì khu vực tư nhân không cần ưu đãi bằng tiền bạc, mà cái họ cần là cơ chế minh bạch, đồng hành, đáng tin cậy với cơ hội đầu tư, kinh doanh của họ’ - TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Bên cạnh tạo ra những cơ chế, chính sách và tạo ra ‘khí thế mới’ cho khu vực doanh nghiệp nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp nội cũng cần nỗ lực vươn lên, nỗ lực khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Đây không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần thực hiện hoá mục tiêu lớn lao mà Đảng, Nhà nước đưa ra tại Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể.

TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM: Để tạo ‘cú huých’ cho khu vực doanh nghiệp, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tháo gỡ những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh dựa trên phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: Doanh nghiệp nước ngoài

Tin cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Tin Công Thương 6/5: Gỡ nút thắt cho năng lượng tái tạo

Bàn giao Thanh tra Bộ Công Thương về Thanh tra Chính phủ

Nghị quyết 68: Cú huých thể chế cho kinh tế tư nhân

Tập đoàn toàn cầu đưa Việt Nam vào kế hoạch kinh doanh

Sau vụ nam sinh vô lễ với cựu chiến binh: Đại học Văn Lang lan tỏa hình ảnh đẹp

Xây thương hiệu phải bắt đầu từ bảo hộ trí tuệ

Nam sinh Văn Lang vô lễ: Nữ sinh Nhân Văn bật khóc nhường chỗ hai cựu chiến binh

Kinh tế tư nhân Việt Nam có giá trị nhân văn cao cả

Bỏ qua vài kẻ vô ơn, đại lễ thổi bùng lẽ sống đẹp ‘tuyệt đối không điện ảnh’ của giới trẻ

Những khu đô thị bỏ hoang và câu hỏi về thuế bất động sản

Công đoàn – Cầu nối bền vững giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp

Từ người viết sách ‘bắt thóp B52’ ở tuổi 29 đến ngòi bút Công Thương

Ngành Công Thương: Phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân trong kỷ nguyên mới

'Biển người' đổ về trung tâm TP. Hồ Chí Minh trong đêm hội 'Sắc màu Thành phố Bác'

Từ “Ngày Chiến thắng” đến “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”: Điều còn mãi

Hai chứng nhân lịch sử có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 nói gì sau 50 năm?

TP. Hồ Chí Minh: Triệu người đón chờ khoảnh khắc lịch sử

Giới trẻ háo hức sở hữu poster xe tăng 390 ngày 30/4/1975

Tiếp nhận ảnh về ngày 30/4/1975 của phóng viên chiến trường