Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất
8 tháng đầu năm 2021, ngành gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về chế biến gỗ và lâm sản với các hiệp hội, hội và các DN chế biến và xuất khẩu gỗ tổ chức sáng ngày 7/9 cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%, lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%. Ở chiều ngược lại, ước nhập khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2021, gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD.
Tháo gỡ khó khăn cho DN đảm bảo mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản |
8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 953,1 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,008 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 782 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 605,2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù đạt được những kết quả tích cực về xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên, theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các DN ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung nhiều các DN chế biến gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số DN ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). “Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản có hơn 50% DN phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Do vậy, trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng 6, 7, 8 giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Riêng tháng 8 ước giảm hơn 22% so với tháng 7”, ông Bùi Chính Nghĩa nói.
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, hội ngành gỗ và các DN đều cho rằng, duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “2 tại chỗ” khiến DN tăng chi phí khoảng 20-30%, với thực tế này thì DN rất khó cầm cự. Tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vắc xin rất thấp, điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng từ 15-20% người lao động được tiêm vắc xin.
Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại và DN hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác. Trong khi đó, có trường hợp do phí gửi chứng từ, tài liệu tăng cao, ngân hàng còn từ chối gửi hồ sơ L/C cho đối tác để mở thanh toán (như trước đây) mà yêu cầu DN tự gửi, điều này ngoài phát sinh tăng thêm chi phí thì DN sẽ gặp rủi ro rất cao.
Chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần), điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18 - 20 nghìn USD/1 container, với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn.
Với những khó khăn trên, hầu hết các DN không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng; dự báo trước mắt cũng như trong trung hạn và dài hạn, nếu tình hình không được cải thiện thì DN ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.
Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất
Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các DN, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.
Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho DN yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của DN |
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho DN yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của DN. Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những DN vượt qua những khó khăn của đại dịch để DN có đủ nguồn vốn có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương - đề nghị, nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8 trong bảng ưu tiên tiêm vắc xin của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc xin cho công nhân ngành gỗ.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Nghị Quyết số 68 của Chính phủ đã quy định cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất với mức lãi suất 0% (điểm 11, Mục 2); tuy nhiên, chỉ được thực hiện với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách như đã quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2021 của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời, giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để DN có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ vốn ngắn hạn ít nhất 6 tháng theo đơn hàng có L/C; hỗ trợ DN trong gửi hồ sơ sau khi đã kiểm tra L/C, DN sẽ đảm nhận các chi phí như cách làm của ngân hàng trước dịch. Hỗ trợ cho DN được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3 - 6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....
Trước kiến nghị của các hiệp hội, hội, DN ngành gỗ, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời mong muốn các DN phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau. Vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.