Xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực
Xuất khẩu 6 tháng ước tăng 13,8%
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) - cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%).
6 tháng đầu năm, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước |
Xuất khẩu nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%). Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.
Riêng mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy - cho hay, nhờ vào xuất khẩu hồi phục, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong quý I/2024 đã tăng lên 5,66%, so với mức tăng 3,32% của quý I/2023. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong quý I/2024 cũng giảm xuống còn 168 nghìn lượt, mức thấp nhất trong 10 quý, cho thấy sự cải thiện ở khu vực việc làm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn nhờ xuất khẩu
So với các quốc gia khác trên thế giới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tương đương 94% GDP, xếp thứ 14 toàn cầu. Trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa chiếm đa số với 82% GDP. Xuất khẩu dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ du lịch và vận tải chiếm 12% GDP. Để so sánh 2 thành tố quan trọng khác của tăng trưởng kinh tế là bán lẻ hàng hóa dịch vụ (phản ánh sức cầu tiêu dùng của dân cư), và đầu tư toàn xã hội (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư FDI), chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.
Khẳng định, xuất khẩu đang là động lực trực tiếp và có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hùng Linh phân tích, năm 2018 và 2019, Việt Nam có được tăng trưởng GDP trên 7%, mức cao nhất 10 năm. Cùng thời gian đó, xuất khẩu tăng lần lượt tăng 13,2% và tăng 8,4%. Còn trong năm 2023, khi xuất khẩu giảm 4,6% thì GDP cũng chỉ đạt 5%. Đáng mừng là khu vực xuất khẩu đang có tín hiệu khả quan.
Là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam lại đang phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Hiện Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chính sự sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã khiến tổng xuất khẩu giảm và làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,3%, EU giảm 6,7%, Hàn Quốc giảm và Nhật Bản cùng giảm 3,7%.
Bước sang năm 2024, các nền kinh tế phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực, dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2024 và 1,8% vào năm 2025 (so với mức 1,6% của năm 2023). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng lần lượt 2,6% và 3,3% trong các năm 2024 và 2025, sau khi giảm 1,2% vào năm 2023.
Sức mua cải thiện ở các nước phát triển đã có tác động rõ rệt đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 15,2%, trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 11,7%. Xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều quay lại tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 22,3%, 16,1%, 10,9% và 3,2%.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định, với dự báo kinh tế của các thị trường phát triển tiếp tục xu hướng tích cực, và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng của Mỹ đang tăng trở lại, chúng ta có thể tin tưởng rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ tốt hơn. Tăng trưởng xuất khẩu của năm 2025 cũng được kỳ vọng sẽ khả quan, do các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay, tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng USD.
Mặt khác, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Trong nửa cuối năm 2024, Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các FTA đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai mạnh các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.