Xuất khẩu điều số 1 thế giới, người trồng vẫn gặp khó
Tổng kết của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, ngành xuất khẩu hạt điều cả nước năm 2017 vừa qua đạt 353.000 tấn, kim ngạch lên đến 3,52 tỷ USD.
Dự báo, nhu cầu sử dụng hạt điều trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% mỗi năm. Còn theo Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC), hạt điều đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hạt khô toàn cầu với tổng giá trị khoảng 30 tỷ USD/năm.
Với kết quả của năm 2017, Việt Nam vẫn tiếp tục là nước giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều. Hạt điều đồng thời cũng đứng đầu “bảng tổng sắp” trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xếp trên cả rau quả, cà phê, lúa gạo và hồ tiêu.
Thế nhưng, với người trồng điều trong nước, sản lượng năm 2017 vừa qua chỉ còn bằng 50% so với năm 2016. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật do mùa vụ chậm lại 30 ngày, cây điều còn gặp thời tiết bất thuận. Các loại sâu bệnh bùng phát khiến nông dân trồng điều nhiều nơi mất mùa 100%. Năng suất những nơi giàu kinh nghiệm, còn thu hoạch được, cũng chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Chất lượng hạt điều cũng giảm hẳn so với mọi năm.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay, sức khỏe cây điều tại nhiều vùng trồng đang bị suy yếu nghiêm trọng do dịch bệnh tràn lan. Hiện nông dân rất cần giải pháp kinh tế, kỹ thuật để giúp tái sinh, phục hồi cho cây điều trong các niên vụ tới. Về lâu dài, ngành điều cần sự hỗ trợ từ nhà nước để có giống cây trồng đủ tốt, có thể thích nghi với kiểu thời tiết cực đoan như những năm gần đây.
Ngoài ra, nông dân cũng cần được hỗ trợ để liên kết với doanh nghiệp chế biến theo hướng sản xuất sạch hơn và có tính đến yếu tố thị trường.
Giá bán tăng: Mừng - lo lẫn lộn
Hơn 3,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu điều trong năm 2017 có hẳn là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam khi sản lượng bán ra tăng chưa tới 2% nhưng giá trị lại vọt lên gần 24% so với năm trước?
Không hẳn vậy! “Giá điều nhân xuất khẩu bình quân năm vừa rồi là 10.000 USD/tấn, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng nếu giá bán cao quá thì người tiêu dùng cuối cùng sẽ chuyển dần sang các loại hạt khác”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam bày tỏ những nỗi mừng - lo lẫn lộn.
Và nếu như ở nhiều ngành công nghiệp chế biến khác, thách thức lớn nhất là đầu ra thì với ngành điều, thách thức lớn nhất lại ở nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện phần lớn nguồn điều thô nguyên liệu làm nên “kỳ tích” xuất khẩu cho ngành điều Việt Nam lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngay tại thị trường trong nước, giá mua vào điều thô cũng cao hơn 30% so với một năm trước đó. Ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas cho hay “năm 2017, cả nước chế biến hơn 1,6 triệu tấn nguyên liệu nhưng nguồn cung nội địa chỉ có 220.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu hết!”.
Bởi vậy mới có nghịch lý là trong khi đang “lên như diều gặp gió” thì ngành điều lại đặt mục tiêu giảm lượng chế biến - xuất khẩu năm 2018 về còn 300.000 tấn, tức thấp hơn năm trước 14%. Lý do chính theo Vinacas là vì “ngành điều chưa chủ động được nguyên liệu tại chỗ, giá nhập khẩu quá cao mà chất lượng hàng lại kém. Vì vậy cần ‘giảm lượng để tăng chất’, hướng vào chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa”.
Rủi ro nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi
Theo thống kê từ Vinacas, hiện phần lớn điều thô nguyên liệu đều được nhập khẩu từ các nước châu Phi. Trong đó, riêng Bờ Biển Ngà chiếm đến 35% tổng lượng điều thô nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, giao dịch với thị trường châu Phi là những hợp đồng có nhiều rủi ro nhất. Hiệp hội tất nhiên có cảnh báo đến doanh nghiệp hội viên thường xuyên nhưng trước áp lực về nguyên liệu, khấu hao tài sản, việc làm cho công nhân… nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải “liều”.
Có nhiều trường hợp nhà xuất khẩu điều châu Phi từng ép phía doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc khoảng 10%, ký hợp đồng rồi mới giao hàng nhưng sau đó chẳng có thương vụ nào diễn ra. “Có một số doanh nghiệp tôi không tiện nêu tên, từng mất cả tiền cọc, không nhận được hàng mà cũng chẳng thưa kiện được. Riêng tôi năm ngoái ký hợp đồng mua 7.000 tấn điều thô với một hợp tác xã qua sự giới thiệu của ông Chủ tịch Hiệp hội Bông và Điều Bờ Biển Ngà. Nhưng cuối cùng bên ấy chả giao hạt nào”, vị Chủ tịch Vinacas chia sẻ.
Không chỉ thế, những doanh nghiệp “may mắn” hơn, nhập khẩu được hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro về chất lượng. Đơn cử như tại Bờ Biển Ngà, dù Chính phủ có quy định về hàm lượng độ ẩm được phép trong điều thô xuất khẩu để giữ uy tín quốc gia nhưng vẫn có nhiều lô hàng “ra đi” trót lọt. Thế nên, dù điều thô khi đóng vào các container chuẩn bị xuất khẩu có chất lượng rất tốt nhưng sau một tháng lênh đênh trên biển, và thêm cỡ non tháng nữa để làm thủ tục nhập khẩu ở cảng Cát Lái thì lượng điều thô lúc doanh nghiệp mở container đã “giảm đi một cách rất tự nhiên”. Số điều thô nhập khẩu hỏng mất từ 5-7% do bị thối là chuyện “thường ngày ở huyện” mà các nhà nhập khẩu điều Việt Nam hiện đang đối mặt.
Đi tìm lời giải cho bài toán nguồn cung
Với rất nhiều rủi ro như vậy, làm sao để ngành xuất khẩu nhân điều Việt Nam không còn phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung cấp từ châu Phi mà vẫn có thể đứng vững ở vị trí hàng đầu thế giới? Chuyện đi tìm lời giải cho bài toán nguồn cung lại càng trở nên cấp bách hơn với ngành điều Việt Nam khi Bờ Biển Ngà tuyên bố đến năm 2020 sẽ chế biến toàn bộ điều thô sản xuất được trong nước. Hụt mất 35% nguồn cung chỉ trong vòng 3 năm tới, ngành điều Việt Nam sẽ ra sao?
Theo Vinacas, để ngành điều vẫn phát triển ổn định thì cơ cấu nguyên liệu cần xoay chuyển ngay trong vài năm tới. Trước mắt ngành điều đang tập trung hợp tác với Camuchia trong Chương trình trồng điều quy mô lớn ở nước này. Theo đó, Vinacas sẽ hỗ trợ Campuchia tuyển chọn giống, đưa giống từ Việt Nam sang, chuyển giao công nghệ trồng trọt và bao tiêu đầu ra.
Hiện Campuchia mới chiếm 7% thị phần điều thô nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng nếu đề án trồng điều của nước này diễn ra đúng kế hoạch để đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong 10 năm tới, đồng thời Việt Nam cũng hoàn thành mục tiêu có 500.000 ha trồng điều thì cơ bản ngành điều trong nước sẽ có đủ nguồn cung nguyên liệu. Tất nhiên, vị chủ tịch Vinacas cho rằng đây chỉ là “giả thuyết” nếu cả nước chỉ vẫn dừng lại ở mức sản xuất chế biến khoảng 2-2,5 triệu tấn điều thô mỗi năm.