Qua khảo sát tại các vùng trồng điều, theo đánh giá của Vinacas, nhìn chung, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn nên vụ điều tại Việt Nam sẽ kéo dài hơn so với năm trước, dự kiến kéo dài tới đầu tháng 6. Đối với những diện tích điều được chăm sóc tích cực thì sản lượng vẫn giữ nguyên, còn diện tích điều ít được chăm sóc, sản lượng giảm khoảng 15% so với năm ngoái.
Hiện đang là giai đoạn mùa vụ thu hoạch điều của Việt Nam và doanh nghiệp (DN) đang thu mua điều thô nội địa cho bà con nông dân với giá đầu vụ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Áp lực về giá
Ông Phạm Ngọc Khiêm, đại diện Công ty Chế biến xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), một “ông lớn” trong thu mua và chế biến điều cho biết, năm nay tại Đồng Nai, một trong những tỉnh có diện tích điều lớn của cả nước, vụ điều thu hoạch kéo dài và rải rác hơn năm trước, dự kiến phải tới cuối tháng 5 mới xong.
Giá thu mua điều tươi đầu vụ khoảng 33.500-34.000 đồng/kg và đối với điều khô qua sơ chế khoảng 38.500-39.000 đồng/kg. Các mức giá nêu trên cũng tương đối sát so với thị trường điều hiện tại của Bình Phước, “thủ phủ” điều tại Việt Nam. Tuy nhiên, các DN cũng nhận định, vào chính vụ, cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá điều tươi thu mua dự kiến chỉ khoảng 28.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, với mức giá đầu vụ, sẽ rất khó khăn cho DN sản xuất và chế biến, trong khi giá điều thế giới có xu hướng giảm. Chính vì vậy, theo phản ánh của một số DN xuất khẩu điều, tâm lý chung là đang chờ giá xuống khoảng 30.000 đồng/kg điều tươi mới mua vào.
Về thị trường điều thế giới, ông Thanh cho biết, đối với các nước sản xuất điều lớn như Bờ biển Ngà, Nigeria, do ảnh hưởng của thời tiết, mùa vụ thu hoạch của họ cũng sẽ kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng điều và sản lượng không tăng so với năm trước.
Theo cảnh báo từ các nhà môi giới về xuất khẩu điều, trong bối cảnh giá điều có nhiều thay đổi như hiện nay, khi ký hợp đồng nhập khẩu điều thô từ các DN của châu Phi, các DN Việt Nam cần phải cẩn trọng vì đã có nhiều trường hợp họ ký hợp đồng nhưng không giao hàng hoặc trì hoãn thời gian giao hàng, làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của DN.
Hướng tới chế biến sâu các sản phẩm điều
Nhận định về triển vọng xuất khẩu điều trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, năm nay sẽ là năm khó khăn cho các DN xuất khẩu điều bởi giá điều thế giới có xu hướng giảm, trong khi giá trong nước vẫn ở mức cao, cùng với đó là những đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các quốc gia nhập khẩu.
Để khắc phục những khó khăn này, theo ông Thanh, về lâu dài, các DN trong nước cần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, từ đó hướng tới chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chủ yếu là sơ chế rồi xuất khẩu như hiện nay.
Ông Thanh cũng cho biết, một điều đáng mừng là các nước tham gia TPP đều là thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam, trong đó có bạn hàng lớn nhất là Mỹ, đây cũng là điều rất thuận lợi cho ngành điều khi TPP được thông qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch Vinacas cũng cảnh báo, tới đây, thị trường nội địa không còn là sân chơi của các DN điều trong nước nữa, viêc mở cửa hội nhập sâu rộng sẽ tạo điều kiện cho nhiều DN lớn, nhất là các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và sẽ mở các nhà máy chế biến tại đây.