Xuất hiện tin nhắn giả mạo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC)
Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ghi nhận xuất hiện tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) của đơn vị.
Cụ thể, vừa qua, EVNCPC nhận được phản ánh từ một khách hàng sử dụng điện tại Quảng Ngãi về việc nhận được tin nhắn lạ có nội dung đề nghị khách hàng thanh toán tiền điện.
Qua kiểm tra, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (CPCCC) cho biết từ tháng 3/2023, CPCCC đã dừng gửi SMS và chuyển sang các kênh Zalo OA và App EVNCPC CSKH để gửi thông báo đến khách hàng này; kiểm tra lịch sử gửi đến số điện thoại khách hàng từ tháng 3/2023 cũng không ghi nhận có phát sinh tin nhắn mới.
Nội dung tin nhắn giả mạo thương hiệu EVNCPC. Ảnh: EVNCPC |
Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (CPCIT) đã phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ SouthTelecom, nhà mạng VNPT kiểm tra và xác nhận không gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại khách hàng trên với Brandname Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Bước đầu, CPCIT nhận định, đối tượng đang vận hành thử nghiệm 1 trạm BTS giả để gửi tin nhắn giả mạo đến khách hàng ngành điện, hiện chỉ mới gửi thử nghiệm đến 1 khách hàng, chưa ghi nhận có phát sinh trường hợp nào khác.
Hiện EVNCPC đang phối hợp với các nhà mạng, đề nghị phối hợp và có biện pháp dự phòng, ngăn chặn; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Brandname để tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, tránh để kẻ xấu khai thác, lợi dụng gửi tin nhắn qua Brandname do đơn vị quản lý.
EVNCPC khuyến cáo khách hàng khi nhận tin nhắn lạ có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo, khách hàng thông báo ngay đến tổng đài 19001909. Khách hàng tuyệt đối không ấn vào các đường dẫn (đường link) trong tin nhắn, không cung cấp thông tin hay chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Theo Bộ Công Thương, khi nhận được những tin nhắn như trên, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ Ngân hàng, tổ chức… để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, tổ chức…không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. Website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức https). Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người tiêu dùng có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng , tổ chức…để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng, tổ chức…và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này. |