Trực tiếp Tọa đàm: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” Ngày 9/11: Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn" |
Nhiều dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh
Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa. Theo báo cáo Xu hướng và Tăng trưởng thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6,47% trong giai đoạn dự báo.
Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...
Thực tế hiện nay, sự đa dạng của doanh nghiệp cùng nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng "truyền thông bẩn" để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý...
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với hình ảnh các “bác sĩ”, “chuyên gia” mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Ông Lê Hoài Điệp - Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) |
Chia sẻ tại Tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn" do Báo Công Thương tổ chức sáng nay (9/11), ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh điều chỉnh nhiều nhóm hành vi, trong đó có nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Trong đó có hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Cùng với đó là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng nhiều hình thức nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung...
Cũng theo ông Lê Hoài Điệp, hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam, do đó, việc đăng tin, bài hay bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng. Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chung quan điểm, TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, trên mạng xã hội đang xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của nhà nước.
Cụ thể theo TS Trần Việt Nga, liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, hiện có 3 Bộ chính quản lý là: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo đó đã tập trung vào hậu kiểm, phân quyền cho doanh nghiệp.
Theo quy định, các nhóm cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt; trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ, các quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất, chỉ cần 1 bản hồ sơ, đăng tải trên website.
“Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp không phải chờ đợi” - TS Trần Việt Nga nhấn mạnh và cho rằng, doanh nghiệp cần có nghĩa vụ thực hiện theo đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó hậu kiểm. Từ năm 2018 đến nay, có nhiều ý kiến đánh giá về việc cho phép doanh nghiệp tự công bố. Điều này dẫn đến việc tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, tuy nhiên, xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định của nhà nước.
Chung tay ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Liên quan đến những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sữa, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.
““Truyền thông bẩn” đó là rác rưởi thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội” - ông Vũ Văn Trung nhấn mạnh và cho rằng, việc dọn dẹp vấn nạn này giúp lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng. Bên cạnh đó, còn góp phần trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình.
TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế |
Tương tự, TS. Trần Việt Nga cũng cho rằng, vấn đề quảng cáo dù ở hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Bởi những phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm, trong luật an toàn thực phẩm cũng như Nghị định số 15 cũng nêu rõ về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng “tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh” đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy vậy, theo TS. Trần Việt Nga việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng là việc vô cùng phức tạp, điều này không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác đều gặp phải, kể cả Bộ Y tế. Do vậy, bà Nga cho rằng cần sự đoàn kết của các Bộ, ban ngành trong vấn đề ngăn chặn, xử lý răn đe các hình thức truyền thông không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Trong khi đó, ông Lê Hoài Điệp cũng nhấn mạnh, không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.
Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về cạnh tranh như đã từng phối hợp với Hiệp hội sữa Việt Nam trong thời gian qua, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp sữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng chính sách tuân thủ đáp ứng không chỉ quy định pháp luật về cạnh tranh mà còn đáp ứng các quy định pháp luật khác điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa, từ đó hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và hành vi vi phạm quy định pháp luật khác nói chung.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng sẽ tăng cường công tác rà soát, giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.