Xu hướng 'tiêu dùng xanh' tạo làn sóng mới trên thị trường
Khi người trẻ tiên phong “sống xanh”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, xu hướng tiêu dùng xanh đang trở thành một phong trào mạnh mẽ tại Việt Nam. Đó không chỉ là việc lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, tiêu dùng xanh đã trở thành một tuyên ngôn lối sống của nhiều người trẻ.
Đơn cử như chị Nguyễn Trà My (24 tuổi - quận Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi lần đi chợ, chị đều chuẩn bị sẵn vài chiếc túi vải, hộp nhựa và thậm chí là một ít túi zip tái sử dụng để đựng rau, thịt, hay cá nhằm hướng tới lối sống xanh qua hành vi nhỏ.
Chị My nói, đã hơn một năm chị không dùng túi nilon. “Ban đầu chỉ là thử thách bản thân một tháng sống không nhựa, nhưng rồi việc từ chối túi nilon, hộp xốp dần trở thành thói quen, một lựa chọn có chủ đích cho lối sống mà tôi cho là không gây thêm tổn hại”, chị My bộc bạch.
Không riêng gì chị Trà My, ngày càng có nhiều người trẻ đang âm thầm thay đổi thói quen tiêu dùng. Họ không còn thấy thoải mái với việc dùng hộp xốp, túi nhựa, hay các sản phẩm chỉ sử dụng một lần rồi vứt bỏ.
Khách hàng đi siêu thị dùng túi đựng hàng có thể tái sử dụng nhiều lần. Ảnh: Ngân Hà |
Theo 1 khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024, có đến 59% người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh trong thời gian tới, với 44% sẵn sàng chi thêm từ 5-10% giá so với sản phẩm thông thường để hỗ trợ tiêu dùng bền vững.
Qua quan sát thực tế, phóng viên Báo Công Thương nhận thấy, những người bán hàng quy mô nhỏ, các chủ tiệm tạp hóa, hàng quán gia đình, tiểu thương chợ truyền thống đang chịu áp lực phải thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng trẻ.
Chị Phạm Thị Nhi, 42 tuổi, bán đồ ăn sáng trên phố Trần Quốc Vượng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang dần thay đổi. Trước kia, chị dùng hộp xốp và túi nilon như bao người bán hàng khác, cho đến khi có nhóm sinh viên thường xuyên mang hộp cá nhân tới mua đồ ăn.
Tò mò và cảm mến, chị bắt đầu tìm mua hộp giấy và túi bột bắp. Giá đắt hơn, mỗi hộp giấy chị dùng có giá từ 1.800 - 2.500 đồng thay vì 500 đồng như hộp xốp, nhưng chị thấy khách quay lại nhiều hơn.
“Lúc đầu cũng ngại vì tốn thêm chi phí, nhưng bù lại thì được lòng khách. Khách nói những chiếc hộp này có ngoại hình đẹp hơn lại bảo vệ môi trường”, chị cười.
Bà Vũ Thị Hạnh (tiểu thương chợ Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho biết: Trước giờ bán quen túi nilon, bây giờ có mấy cháu sinh viên đến mua rau cứ nhắc mình gói bằng lá chuối hoặc không cần túi. Lúc đầu thấy phiền, sau quen dần, giờ chính tôi cũng tự động bỏ nilon đi nếu không cần thiết.
Khoảng cách giữa ý chí và hành động
Mặc dù phong trào sống xanh dần lan rộng, nhưng khoảng cách giữa ý chí và hành động vẫn còn. Rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao, sự sẵn có sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Theo khảo sát, ống hút giấy hoặc cỏ có giá từ 900 - 1.200 đồng một chiếc, đắt gấp gần 10 lần ống hút nhựa. Túi bột bắp sinh học có thể lên tới 3.500 đồng mỗi chiếc, trong khi túi nilon vẫn được phát miễn phí tại hầu hết các hàng quán. Một chai nước rửa chén sinh học 500ml có thể có giá từ 55.000 - 75.000 đồng, cao gần gấp đôi sản phẩm thông thường.
Với nhiều người lao động có thu nhập trung bình, đó là một khoảng chênh không dễ vượt qua. Anh Trần Văn Lâm, 36 tuổi, tài xế công nghệ ở Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh có xem nhiều video về lối sống xanh, thấy cũng hay, nhưng việc tiếp cận sản phẩm thân thiện môi trường vẫn rất khó khăn.
“Chỗ tôi ở không có cửa hàng bán những mặt hàng như vậy. Mua thì phải đặt online, nhưng tôi đâu có thời gian mà ngồi canh hàng về”, anh nói.
Nhưng ngay cả khi không thể thay đổi toàn bộ, nhiều người vẫn chọn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Họ tiết kiệm bao bì, tái sử dụng lọ thủy tinh, chuyển sang dùng xà phòng thiên nhiên, hoặc đơn giản là từ chối ống hút nhựa khi uống cà phê.
Một xu hướng mới đang manh nha trong giới trẻ chính là việc tái sử dụng, tự làm đồ dùng và sống tối giản, không phải để tiết kiệm mà để sống chậm hơn, có ý thức hơn.
Trên các nhóm mạng xã hội như “Không rác thải”, “Sống tối giản Việt Nam”, hay “Hội đổi đồ”, hàng trăm bài đăng mỗi ngày chia sẻ cách tái chế lọ thủy tinh, làm nến từ sáp cũ, làm sạch nhà bằng giấm tự ủ, hoặc mẹo bảo quản thực phẩm không cần túi nhựa.
Hội trao đổi đồ cũ trên nền tảng mạng xã hội Facebook với hơn 70K thành viên. Ảnh chụp màn hình |
Chị Nguyễn Thùy Linh, 34 tuổi, chủ một cửa hàng bán đồ cũ (second-hand) tại Đống Đa, Hà Nội, cũng là 1 thành viên tích cực trong nhóm “Hội đổi đồ” cho biết, chị tham gia nhóm từ năm 2020, nhóm đã giúp chị tiết kiệm đáng kể chi phí sinh hoạt, đồng thời tạo ra một vòng tuần hoàn tiêu dùng hợp lý, nơi “thứ mình không dùng tới lại là thứ người khác đang cần”.
Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi đồ dùng cũ, chị Linh còn tích cực chia sẻ mẹo tái chế và tự làm sản phẩm thân thiện môi trường trên trang cá nhân, từ việc biến áo cũ thành túi xách vải, đến làm nến thơm từ sáp ong dư thừa.
Theo chị Linh, sống xanh không cần phải cầu kỳ hay tốn kém, mà quan trọng là sự sáng tạo và tinh thần chia sẻ. “Cái hay của mô hình này là nó không chỉ giảm rác thải mà còn kết nối cộng đồng, lan tỏa lối sống có trách nhiệm một cách nhẹ nhàng và thực tế”, chị Linh chia sẻ.
Trong bối cảnh môi trường đang gióng lên hồi chuông báo động, những hành động nhỏ nhưng bền bỉ của người tiêu dùng cá nhân, đặc biệt là giới trẻ, đang góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực cho toàn xã hội.
Không cần khẩu hiệu lớn lao, không cần phong trào rầm rộ, sự chuyển dịch về nhận thức đã và đang diễn ra từ những hộp cơm mang theo của sinh viên, đến tấm lá chuối của tiểu thương. Lối sống xanh, nếu được nhìn nhận không phải là gánh nặng chi phí mà là một sự lựa chọn tử tế, có thể bắt đầu ngay từ giỏ đi chợ hôm nay. |