Xoi dó tìm trầm
Từ nghề đẽo gỗ lấy trầm
Chúng tôi về xã Phúc Trạch, vừa đặt bước trên những con đường làng, đã thấy mùi của trầm hương thơm ngát tỏa ra từ các lò “xoi trầm”. Ghé vào lò “xoi trầm” của gia đình ông Lê Văn Thọ (60 tuổi), một người đã có thâm niên hơn 40 năm trồng dó trầm và trực tiếp làm nghề “xoi trầm”, ông Thọ cho biết, những ngày đầu làm nghề, khoảng vào những năm 1980, trầm hương chủ yếu lấy từ tự nhiên, từ trong rừng sâu hoặc từ vườn tạp của người dân. Khi đó giá trầm hương cũng chưa quá đắt như bây giờ.
Một số sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ cây dó trầm |
“Hầu hết người dân ít ai biết được giá trị thật của trầm. Nếu may mắn thì gặp cây có hàng “tốc bông” - trầm đẹp, thơm và bền - thì có khi lãi cả chục triệu đồng. Nhưng không may thì đẽo mỏi mắt cũng không tìm thấy miếng trầm nào. Lúc đó, cả cây dó to cũng chỉ làm củi. Nghề “xoi trầm” là vậy đó!” - ông Thọ chia sẻ.
Cũng theo ông Thọ, để lấy được trầm rất gian nan, thông thường phải qua nhiều công đoạn gồm: Đẽo phá, xổ phá, ép sát và tỉa sạch. Trong đó tỉa sạch là công đoạn khó nhất. Gạn cần nhất là sự dẻo dai của cổ tay và tinh mắt, chỉ cần thiếu tập trung hoặc lỡ tay là có thể “phạm”, làm hỏng, thất thoát trầm hương.
Anh Lê Doãn Khỏe (45 tuổi) người có thâm niên trong giới “xoi trầm” kể lại về các công đoạn thu hoạch cây dó trầm và tạo trầm thành phẩm hầu hết đều thực hiện thủ công. Khi chặt cây, ở những các mạnh cưa, cắt cũng phải do người có kinh nghiệm lựa chọn, đánh dấu để lấy may mắn với hy vọng sẽ có trầm chất lượng cao, nhiều dầu. Để xoi được trầm, mỗi người thợ đều trang bị cho mình một bộ đồ nghề, gồm rất nhiều những chiếc đục, cưa đặc biệt được đặt rèn dành riêng cho nghề này. Ở mỗi công đoạn, người thợ sẽ lựa chọn những dụng cụ phù hợp.
Cũng theo anh Khỏe, nếu như trước đây, trầm hương hoàn toàn tự nhiên thì ngày nay, người dân đã có nhiều phương pháp can thiệp để cây dó sinh trầm như dùng khoan, bơm thuốc tạo trầm vào cây. Công đoạn này sẽ giúp rút ngắn thời gian tạo trầm. Hiện vẫn có trầm tự nhiên - là do sâu đục, hoặc cây dó tự tạo ra, để phân biệt, người trong nghề gọi trầm tự nhiên là “hàng kiến”, còn trầm nhân tạo là “trầm khoan”.
Đến phong trào trồng cây dó bầu
Cây dó trầm (dó bầu) trước đây người dân trồng nhiều trong vườn chỉ xem là cây gỗ bình thường. Sau những năm 1980 của thế kỷ trước, bỗng có nhiều người ở miền trong như: Huế, Đà Nẵng… tìm đến đây thu mua. Dó trầm trở nên có giá trị cao. Phong trào trồng dó ở Hà Tĩnh và nghề xoi trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó mà thành.
Miệt mài đục dó tìm trầm |
Ông Thọ cho biết, nếu như trước đây để có trầm hương bắt buộc người dân phải băng rừng, lội suối vào “thánh địa” của cây dó bầu để tìm kiếm, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, khi thấy được những lợi ích kinh tế của cây dó trầm, người dân đã đầu tư trồng cây dó bầu và tự cấy ra trầm nhân tạo. Hiện tại, gần như 100% diện tích đất vườn rừng, trang trại trong toàn xã đều phủ kín dó trầm. Tuy nhiên, để cây dó bầu tạo được trầm ít nhất phải trồng trên 10 năm tuổi thì mới khai thác được và không phải cây nào cũng tạo ra trầm.Trên cây dó bầu, người ta có thể tạo trầm bằng 2 cách, hoặc từ lớp vỏ gọi là trầm “sánh bì”, hoặc từ lõi của thân gọi là trầm lõi. Sau khoảng 2 năm tính từ lúc “tạo dó” bằng cách bôi một loại thuốc đặc biệt ở phần vỏ đã cạo lớp da bên ngoài, hoặc khoan rồi bôi thuốc, thì trầm mới hình thành và cho khai thác. Để lấy trầm, người ta thực hiện nhiều công đoạn như cưa cây, cắt thành khúc, rồi đẽo ra, phá xác và tỉa sạch rồi thành trầm.
Không chỉ những người lớn tuổi, khi trầm hương ngày càng có giá trị, nghề “xoi trầm” thu nhập khá ổn định nên nhiều người trẻ sẵn sàng học và giữ nghề truyền thống. Nguyễn Chí Thành (35 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đinh Gia ở thôn 4, xã Phúc Trạch là một trong những người trẻ nhất quyết tâm học và làm giàu từ nghề chế tác dó trầm.
Theo anh Thành, để thu được tầm 20kg trầm sạch người ta phải “xoi” ít nhất 1 tấn cây dó. Mỗi tháng mỗi người chỉ làm được vài kg trầm. Hiện trầm được thương lái thu mua nhìn bằng mắt để nói giá, chứ không ấn định cụ thể. Tuy nhiên, loại thấp nhất từ 250-300 ngàn đồng/kg (xác trầm dùng làm hương), còn loại trầm sạch cao nhất từ 25-35 triệu đồng tùy loại. Hai năm nay trở lại đây thị trường tiêu thụ trầm rất chậm và giá cả cũng giảm gần 40% so với những năm trước, nên nhiều lò “xoi trầm” gặp không ít khó khăn. Theo anh Thành, ngoài việc gạn trầm cảnh, làm vòng trầm, làm trầm nụ… anh tập trung chủ yếu phát triển nghề làm hương trầm truyền thống của gia đình.
Phơi hương |
“Thời điểm cận Tết là mùa bận rộn nhất trong năm của người làm hương trầm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 25.000 que hương tương đương với 5 tạ bột nguyên liệu. Sản phẩm hương trầm Phúc Trạch sản xuất 100% từ trầm hương của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020” - anh Thành chia sẻ.
Theo UBND xã Phúc Trạch, hiện nay toàn xã có trên 10 lò “xoi trầm” hoạt động thường xuyên. Trung bình mỗi lò có từ 5-7 lao động. Toàn xã hiện có 350 ha dó trầm, trong đó khoảng 300 ha trồng tập trung, 50 ha trồng phân tán.