Xoá “xe dù, bến cóc” góp phần làm lành mạnh bức tranh giao thông
Việc thiếu những giải pháp triệt để đã khiến cho nạn “xe dù, bến cóc” tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ở một số tỉnh, thành phố lớn, vẫn như "nấm mọc sau mưa" mỗi dịp lễ Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đã gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đối với xã hội.
Trong đó phải kể đến tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; tạo ra sự méo mó của thị trường vận tải, cũng như sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và bình đẳng giữa các hãng vận tải hành khách; làm xấu mỹ quan đô thị và hình ảnh của xã hội hiện đại… và đi cùng đó là bức tranh giao thông thêm phần hỗn loạn. Càng về cuối năm, vấn nạn này lại càng thêm nhức nhối khi lưu lượng lưu thông ngày một nhiều hơn.
Các chuyên gia dự buổi toạ đàm |
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, nạn “xe dù, bến cóc” đã tạo cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng. Nhiều tuyến phải giảm tần suất xe và các doanh nghiệp vận tảiđang thua lỗ. Hiện nay theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe có giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Phân tích thực trạng “xe dù, bến cóc”, ông Khuất Việt Hùng, chuyên gia giao thông thừa nhận là việc chúng ta tổ chức và bố trí những bến xe tương đối khó, tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Đó là một bất cập.
Không những vậy rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chúng ta không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách. Nghị định 86, mới đây là Nghị định 10, thiếu quy định là các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải.
TS Lưu Bình Nhưỡng, nguyên đại biểu Quốc hội lưu ý một hiện tượng là các đối tượng “xe dù, bến cóc” thường được nói có vẻ như ở các đô thị lớn. Trong khi đó các đường trên cao và cao tốc có rất nhiều bến cóc xe dù, vô cùng nguy hiểm. Theo ông Nhưỡng lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông cần quan tâm hơn nữa đến tình trạng này.
Không đi sâu vào thực trạng được các chuyên gia dẫn tại toạ đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng từ góc độ quản trị công cho rằng, rõ ràng chúng ta có công cụ, có lực lượng để giám sát, đặc biệt là công cụ về công nghệ số, rất là tốt. Vấn đề là chúng ta cần phải hoàn thiện quy hoạch. Đây chính là cái gốc. Bởi vì những xe dù, bến cóc không cài hành trình giám sát thì chúng ta không thể định vị và quản lý được.
Chia sẻ ý kiến của ông Dũng, ông Lưu Bình Nhưỡng nói, ngoài việc cần ứng dụng công nghệ thông tin triệt để hơn, vấn đề quản lý giao thông vận tải đối với doanh nghiệp cần có sự phối hợp giữa các địa phương với nhau. Nên thiết kế một chương trình quản lý toàn quốc về việc bất kỳ xe nào tham gia hành trình đều phải được thông báo bằng hệ thống công nghệ thông tinvà dự liệu quốc gia lập tức trong ngày. Các nước quản lý vấn đề này rất tốt. Khi xe bắt đầu xuất phát ở một tỉnh thì địa điểm đến cũng biết và quản lý, còn điểm đi chỉ cung cấp dữ liệu.
Ảnh minh hoạ |
Trong khi chờ những giải pháp căn cơ hơn để xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, chia sẻ tại buổi toạ đàm, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, ngày 7/11/2022, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch cao điểm về bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các lễ hội đầu xuân, trong đó yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt những nhóm hành vi là những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tại nạn nhất.
Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT, liên quan đến nạn xe dù bến cóc, trong thực tế như phân tích ban đầu, hiện nay một lượng rất lớn là 222.000 xe hợp đồng đang hoạt động. Những xe này sẽ nở rộ khi có nhu cầu của người dân đi lại bởi vì theo quy định thì xe hợp đồng được phép đi theo yêu cầu đi lại của người dân. Bà Hiền cũng thừa nhận không thể cấm toàn bộ xe hợp đồng được. Tuyến cố định lại đang có nhiều vị trí chưa phù hợp đón trả khách. Trong thời gian sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, các điểm đón trả khách.
“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương hết sức cân nhắc, thận trọng điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng các bến xe đang hoạt động hiệu quả, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị nội đô, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân”- bà Hiền nói.