Hà Nội: Thực hư việc Sở Giao thông vận tải ngừng cấp giấy phép lái xe? Sắp diễn ra triển lãm về hạ tầng giao thông vận tải Lào Cai ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông |
'Đánh đố' người tham gia giao thông
Trong những năm gần đây, việc quản lý hệ thống giao thông trở thành vấn đề cấp bách tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tình trạng xung đột biển báo giao thông, gây nhầm lẫn và khó khăn cho người tham gia giao thông.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại nhiều thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng... tình trạng 'loạn' biển báo xảy ra ở nhiều tuyến đường. Tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả của hệ thống giao thông, gây bức xúc, nhầm lẫn cho người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - nhận định, như báo chí phản ánh, tình trạng 'loạn' biển báo giao thông đã xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương, gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông. Sự thiếu rõ ràng và mâu thuẫn giữa các biển báo đã tạo ra một hệ thống giao thông hỗn loạn, khiến người dân và tài xế không biết phải tuân thủ biển báo nào.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Ở góc độ pháp lý, tình trạng loạn biển báo, thiếu rõ ràng và mâu thuẫn giữa các biển báo có thể gây ra hậu quả pháp lý đối với người tham gia giao thông. Cụ thể, Điều 20 Quy chuẩn 41 quy định, trên những đường mà mỗi chiều xe chạy từ 2 làn trở lên, biển báo được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn thì có thể đặt thêm biển báo phía tay trái của chiều xe chạy.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được cải thiện. Biển báo chưa được thay thế theo đúng quy chuẩn nhưng cảnh sát giao thông vẫn phải xử lý người vi phạm theo luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.
Thực tế cho thấy, xung đột biển báo giao thông là vấn đề đã tồn tại, kéo dài rất nhiều năm. Dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được. Vậy, câu hỏi đặt ra, đâu là căn nguyên cốt lõi dẫn đến thực trạng nhức nhối này và làm sao để giải quyết triệt để?
Lý giải về thực trạng của vấn đề này, theo TS. Vũ Văn Tính – cố vấn Công ty Luật TNHH SALUS, tình trạng loạn biển báo giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sự thiếu đồng bộ trong lắp đặt và cập nhật biển báo sau khi có sự thay đổi về quy hoạch, mở rộng hoặc thay đổi các tuyến đường.
Đặc biệt, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/11/2019), hiện nay còn thiếu nhiều chi tiết quan trọng như khoảng cách tối thiểu đặt biển, tiêu chuẩn phản quang và cách phối hợp giữa biển chính và biển phụ.
“Quy chuẩn này chưa được cập nhật phù hợp với thực tế giao thông ở các khu vực nông thôn, đô thị phức tạp, hay các địa hình đặc thù như đèo, dốc. Ví dụ, có những ngã tư ở Hà Nội có tới mấy loại biển cấm khác nhau: biển cấm dành cho ô tô nói chung, biển cấm dành riêng cho xa taxi, biển cấm dành cho xe tải”, ông Tính chia sẻ.
Ngoài ra, ý thức và kỹ năng của các đơn vị lắp đặt biển báo còn hạn chế, khi không tuân thủ đúng quy chuẩn, đặt biển sai vị trí hoặc che khuất tầm nhìn. Một ví dụ điển hình là nhiều biển báo tại ngã ba được đặt quá gần vị trí rẽ, khiến người tham gia giao thông không kịp nhận diện và dễ dàng rẽ nhầm.
Liên quan đên vấn đề này, theo các chuyên gia giao thông, việc rà soát, điều chỉnh và lắp đặt các biển báo đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế và ưu tiên sự dễ hiểu, khả thi đối với tất cả người tham gia giao thông.
Trước những bất cập trong hệ thống biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu giao thông (đèn giao thông), mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng rà soát, giải quyết những bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe... gây xung đột giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải… tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung và bảo dưỡng hệ thống biển báo giao thông để đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, kiểm tra hiện trường, phát hiện, kiến nghị, đề xuất xử lý hoặc và xử lý theo thẩm quyền các tồn tại, bất cập đối với hệ thống quốc lộ và những tuyến đường cao tốc được giao quản lý, tổng hợp kết quả chung, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 13/3/2025. Còn với các nhà đầu tư BOT và VEC được yêu cầu thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, bảo dưỡng báo hiệu đường bộ tại các tuyến đường đang quản lý, khai thác theo nội dung quy định.
Nâng tầm hệ thống giao thông thông minh
Trước những thách thức đang đặt ra với ngành giao thông, làm thế nào để giải quyết triệt để thực trạng này vẫn 'bài toán' khó. Theo đó, góp ý về giải pháp, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: "Một trong những giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng chồng chéo trách nhiệm là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Cảnh sát Giao thông và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự đồng bộ trong việc triển khai các biện pháp giao thông, từ lắp đặt biển báo đến việc xử lý vi phạm, tránh sự mâu thuẫn và tạo ra hệ thống giao thông minh bạch, hiệu quả hơn".
“Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về hệ thống biển báo giao thông cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Một chiến lược truyền thông hiệu quả sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn về các biển báo, từ đó giảm thiểu được tình trạng nhầm lẫn”, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
![]() |
Nhiều biển báo giao thông được ghi nhiều thông tin với dòng chữ rất nhỏ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: N.H |
Còn theo TS. Vũ Văn Tính, để nâng cao hiệu quả hệ thống biển báo giao thông tại Việt Nam, cần áp dụng đồng bộ một số giải pháp như rà soát toàn bộ biển báo trên các tuyến đường (quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị) để loại bỏ biển thừa, lỗi thời, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế.
Đồng thời, cần ban hành quy trình rõ ràng về việc lắp đặt, bảo trì và gỡ bỏ biển báo, có sự giám sát chặt chẽ từ trung ương đến địa phương nhằm duy trì hiệu quả và sự an toàn trong hệ thống giao thông.
Đặc biệt, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc trong việc xây dựng hệ thống biển báo giao thông để giải quyết vấn đề xung đột biển báo. Các quốc gia này đã ứng dụng công nghệ vào quản lý và cập nhật biển báo giao thông, sử dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh để phát hiện các biển báo không hiệu quả hoặc gây khó khăn cho người lái xe, từ đó kịp thời điều chỉnh và thay thế.
Xung đột biển báo giao thông là vấn đề không thể coi nhẹ trong công tác quản lý giao thông. Việc cải tiến và điều chỉnh hợp lý các biển báo hiện có, kết hợp với việc nâng cao ý thức người dân và sự đồng bộ trong hệ thống giao thông sẽ là hướng đi dài lâu và bền vững hơn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả và an toàn cho tất cả mọi người.
Nhìn từ kinh nghiệm của quốc tế, TS. Vũ Văn Tính khuyến nghị: Việt Nam cần sớm áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý biển báo giao thông. Cụ thể, có thể sử dụng hệ thống GIS (Geographic Information System) để tạo bản đồ số hóa toàn bộ biển báo, cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, giúp phát hiện sai sót và mâu thuẫn, đồng thời cảnh báo người sử dụng. Thêm vào đó, hệ thống phản hồi cộng đồng (Crowdsourcing) có thể tích hợp vào các ứng dụng giao thông, cho phép người dân gửi thông tin về biển báo hỏng hoặc bất cập, giúp cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. |