Xóa bỏ rào cản với người khuyết tật
PHCN dựa vào cộng đồng cho NKT ở Việt Nam được triển khai năm 1987 tại Tiền Giang. Đến nay, chương trình được triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố cả nước. PHCN có các hình thức như: PHCN tại viện, tại trung tâm (người tàn tật từ nơi xa đến các trung tâm, các viện để được điều trị PHCN); PHCN ngoài viện, ngoài trung tâm và PHCN dựa vào cộng đồng.
Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá, mô hình PHCN dựa vào cộng đồng ở Việt Nam là một thành tố của chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số lượng người tàn tật được phục hồi nhiều nhất, 85% người tàn tật được phục hồi chức năng tại cộng đồng.
PHCN dựa vào cộng đồng, theo đó, cán bộ y tế cơ sở, gia đình người tàn tật được chuyển giao kỹ thuật PHCN. Người tàn tật được phát hiện và PHCN tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Nguồn nhân lực tài chính dựa vào cộng đồng. Hình thức này có tính xã hội hóa cao, người tàn tật, gia đình người tàn tật, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều tham gia. Chất lượng PHCN cao vì đáp ứng nhu cầu hội nhập xã hội của người tàn tật. Tuy nhiên có hạn chế là các trường hợp khó, không giải quyết được.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thông qua chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, Việt Nam đã tạo điều kiện quản lý sức khỏe cho hơn 170.000 NKT, tiến hành biện pháp phục hồi chức năng cho 23,2% người có nhu cầu và 44,7% người tàn tật.
Bộ Y tế cũng đánh giá mạng lưới PHCN trong toàn quốc đang được củng cố và hoàn thiện. Các bệnh viện, khoa và các cơ sở PHCN từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và PHCN, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh. Công tác phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm, PHCN cho NKT được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trên cơ sở cung cấp đa dạng các hình thức PHCN, thay đổi tích cực nhận thức của cộng đồng đối với NKT để NKT không thấy mặc cảm trong xã hội... Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, chương trình vẫn thiếu nhân lực và không có kinh phí hoạt động (kinh phí chủ yếu vẫn do ngành Y tế cấp), mô hình tổ chức các cơ sở PHCN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì thế, chất lượng cuộc sống của NKT còn thấp, đặc biệt vấn đề hòa nhập với cộng đồng nhiều nơi vẫn rất khó khăn
Các chuyên gia nghiên cứu phát triển xã hội cũng cho rằng: Hiện phần lớn NKT ở Việt Nam chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình và cộng đồng cũng chưa thật đầy đủ về khả năng, nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của NKT dẫn đến tình trạng khuyết tật trở nên nặng nề hơn. Do đó, để NKT được hòa nhập với cộng đồng, chính sách không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc phục hồi chức năng mà phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với NKT để NKT được tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động của xã hội.
Theo số liệu của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mới có khoảng 50,35% số hộ có NKT được hưởng các chính sách hỗ trợ y tế, trong đó 38,17% được khám - chữa bệnh miễn phí và 45,43% được cấp bảo hiểm y tế. |