Xe điện phương Tây cần làm gì để tiếp tục cạnh tranh?
Theo các chuyên gia tờ Financial Times, dấu hiệu rắc rối đang bắt đầu lộ diện trong nền công nghiệp xe điện phương Tây. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Rhomotion, doanh số bán xe điện toàn cầu đã tăng trong tháng 3, nhưng lại đang giảm 9% ở châu Âu.
Nhà máy xe điện của hãng Renault tại Slovenia. Nguồn ảnh: Oliver Bunic, Bloomberg. |
Các doanh nghiệp ô tô tại Mỹ cũng đang gặp khó khăn không kém. Vốn hóa thị trường của hãng xe điện Tesla đã giảm gần 30% trong năm nay, xuống còn khoảng 560 tỷ USD, giảm một nửa so với con số 1 nghìn tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp này. Ngược lại, các công ty ô tô lâu đời như Ford đã trì hoãn việc mở rộng đầu tư xe điện trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, và đang phòng ngừa rủi ro bằng việc cho ra mắt các mẫu xe hybrid (xe chạy bằng cả điện và xăng dầu).
Khó khăn này diễn ra trong bối cảnh các chính phủ phương Tây đặt mục tiêu chuyển đổi từ xe chạy xăng dầu sang xe điện trong thập kỷ tới. Nhưng nhiều người mua ô tô tại các nước này đang không mặn mà với xe điện. So với các dòng xe hybrid và xe chạy bằng xăng dầu, mức giá của xe điện đang làm nhiều người tiêu dùng e ngại, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Người mua ô tô tại những quốc gia này cũng đắn đo vì sự thiếu hụt mạng lưới trạm sạc xe điện. Một cuộc khảo sát của công ty S&P Global Mobility cho thấy khoảng 45% người tiêu dùng toàn cầu nêu mối lo ngại về sự sẵn có của các trạm sạc và thời gian sạc lâu là lý do khiến họ không mua xe điện.
Sự e ngại từ người tiêu dùng, cùng sự sụt giảm doanh số bán xe điện đang có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô. Ông Carlos Tavares, giám đốc điều hành hãng xe đa quốc gia Stellantis, đã cảnh báo thị trường này là ngày càng khốc liệt. Mặt khác, ông Luca de Meo, giám đốc điều hành của hãng Renault (Pháp), đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng cách tiếp cận giống như Airbus để sản xuất xe điện, tức là tăng cường hợp tác giữa chính phủ và các nhà sản xuất, do lo sợ cạnh tranh từ Trung Quốc.
Theo tờ Financial Times, những lo lắng của hãng Renault hoàn toàn có cơ sở. Dự báo của tổ chức Transport & Environment (Bỉ) cho rằng 25% số xe điện bán ra tại EU trong năm nay sẽ được sản xuất tại Trung Quốc. Đặc biệt, xe điện thương hiệu Trung Quốc được dự tính sẽ chiếm đến 20% thị trường châu Âu vào năm 2027.
Cạnh tranh với Trung Quốc là ngày càng khó khăn. Doanh số bán hàng của Tesla thậm chí đã giảm sau khi hãng này giảm giá các mẫu xe hiện có, trong khi tương lai dòng xe điện giá rẻ của hãng còn chưa rõ ràng. Mặc khác, Trung Quốc lại đang có lợi thế rõ ràng về giá pin và công nghệ xe điện.
Nỗi lo của các nhà sản xuất xe điện Châu Âu có thể chỉ là tạm thời, một khi các mẫu xe mới du nhập vào thị trường và giá xe điện giảm. Thực tế, người mua hàng phương Tây sẽ vui vẻ chuyển sang xe điện nếu có giá cả và cơ sở hạ tầng phù hợp. Xe điện đang chiếm phần lớn số lượng ô tô mới ở Na Uy, một phần nhờ vào các ưu đãi tài chính lớn từ chính phủ nước này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện lo ngại rằng chính phủ các nước phương Tây đang đẩy họ vào một thị trường đầy biến động, trong khi nguồn vốn của chính phủ chưa được phân bổ. Mặc dù chuyển đổi xe điện chậm hơn có thể làm lệch mục tiêu chuyển đổi xanh của EU và Mỹ, nhưng việc thuyết phục người tiêu dùng mua xe đang là rất khó.
Vì vậy, theo các chuyên gia, các chính phủ phương Tây cần phải làm việc với các nhà sản xuất ô tô để giảm bớt trở ngại cho quá trình chuyển đổi từ xe chạy bằng xăng dầu sang xe điện. Các chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu nên là xây dựng mạng lưới trạm sạc giá phải chăng và phủ rộng để giảm bớt lo lắng về khả năng chạy xe điện lâu dài.
Hơn nữa, các chuyên gia càng nhấn mạnh vào yếu tố đầu tư công cùng với nguồn vốn tư nhân là chìa khóa để quá trình chuyển đổi xe điện có hiệu quả. Vì nếu không, “người tiêu dùng phương Tây có thể tiếp tục quay lưng lại với xe điện” - tờ Financial Times cảnh báo.