Chủ nhật 22/12/2024 23:37

Xây dựng thương hiệu, duy trì thị phần cho nông sản Việt tại thị trường Anh

Việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để rau quả, nông sản Việt Nam duy trì thị phần tại Anh, chinh phục được người tiêu dùng nước sở tại.

Mặc dù xuất khẩu lượng lớn rau quả, nông sản sang thị trường Vương quốc Anh, song mặt hàng này của Việt Nam thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để rau quả, nông sản Việt Nam duy trì thị phần tại Anh, chinh phục được người tiêu dùng nước sở tại.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã có chia sẻ với Báo Công Thương về những định hướng phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Anh.

Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh, như cà phê, hạt điều và hạt tiêu, sầu riêng, cam Cao Phong đã lên kệ tại siêu thị tại Vương quốc Anh. Ông chia sẻ gì về sự hiện diện này của mặt hàng nông sản Việt Nam tại một trong các thị trường khó tính của thế giới? Từ sự mở đường này, quan điểm của ông ra sao về định hướng phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Anh?

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Ảnh: VINAFRUIT

Mmột số mặt hàng rau quả Việt Nam hiện diện trên các kệ siêu thị, chợ rau quả của Anh cho thấy trình độ sản xuất, trồng trọt rau quả của nước ta càng ngày càng phát triển và tiến bộ về chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng! Bởi Vương quốc Anh nói riêng cũng như châu Âu nói chung là một trong những thị trường rất khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất vào Anh vẫn còn khiêm tốn, chưa mạnh do chúng ta còn thiếu thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp cho các ngành hàng rau quả. Lý do là chúng ta thiếu nghiên cứu sâu về thị hiếu của người tiêu dùng Anh. Mặt khác, một số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này nhưng lại lấy thương hiệu của Anh hay nước khác khi tiêu thụ làm cho thương hiệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Nói chung, xây dựng thương hiệu là việc cần thiết giúp tăng thị phần tại thị trường nước ngoài; thương hiệu hàng Việt phải dựa trên các tiêu chuẩn, quan trọng nhất phải an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng, chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, bao bì tương đối đẹp, bắt mắt, hấp dẫn. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả cũng phải cạnh tranh với hàng cùng loại của các nước khác.

Ở đây chúng ta có một cái “thế”, Việt Nam có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), với FTA này, họ cho mình xuất khẩu bất kỳ loại rau quả nào không cần hạn ngạch, nhưng phải đáp ứng được về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, xây dựng thương hiệu là rất cần thiết.

Cũng như sản phẩm gỗ, cho đến nay xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Vương quốc Anh của Việt Nam vẫn chiếm thị phần rất khiêm tốn do phải cạnh tranh cũng như mức độ nhận diện thương hiệu thấp so với mặt hàng từ các quốc gia khác. Đánh giá của ông về thực tế này từ góc độ ngành hàng rau quả?

Trước hết, thị phần kim ngạch rau quả Việt Nam xuất sang Anh có thể dùng từ “khiêm tốn”. Năm 2022, Việt Nam đã xuất được khoảng 20,9 triệu USD kim ngạch rau quả, kim ngạch này tăng so với 2021 là 8% nhờ Hiệp định UKFTA, kim ngạch này so với toàn châu Âu chiếm khoảng 10%. 6 tháng năm 2023, Việt Nam xuất được 11,48 triệu USD sang Anh, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ có FTA ký với Anh đã giúp cho ngành rau quả tăng kim ngạch, tuy số lượng tăng không nhiều nhưng tỷ lệ tăng như vậy khá cao.

Bên cạnh đó, vấn đề thị phần của Việt Nam tại Anh chưa mạnh là do thiếu thương hiệu rau quả có sức mạnh, tức là nhận diện thương hiệu còn thấp vì chúng ta chưa có những doanh nghiệp có tiềm lực sản xuất lớn, uy tín tham gia vào thị trường khó tính này. Hơn nữa, hàng rau quả của chúng ta sản xuất chất lượng không ổn định ảnh hưởng đến vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Anh. Thêm nữa, tuy hàng rào thuế quan đã giảm nhưng hàng rào kỹ thuật vẫn là trở ngại rất lớn cho những doanh nghiệp của Việt Nam, vượt qua những hàng rào đó cũng rất khó khăn.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến xây dựng thương hiệu đó là xu hướng tiêu thụ rau quả của người Anh và người Việt Nam không giống nhau. Trong khi đó, có thể nói xu hướng tiêu dùng rau quả của Việt Nam với Trung Quốc tương đối giống nhau, chính nhờ sở thích tương đồng nên hàng rau quả của Việt Nam bán sang Trung Quốc chạy hơn. Còn ở thị trường Anh, sự khác biệt giữa khoảng cách địa lý cũng tạo nên xu hướng tiêu dùng của hai bên hơi khác nhau.

Do đó, các doanh nghiệp phải có cách chế biến, xuất khẩu mặt hàng nào tiếp cận được thị hiếu tiêu dùng của người Anh, từ đó mới tăng được số lượng. Song song với nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần có tiềm lực mạnh để có thể xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp, và khi doanh nghiệp nổi tiếng thì thương hiệu quốc gia sẽ được hình thành.

Xây dựng thương hiệu, duy trì thị phần cho nông sản Việt tại thị trường Anh - Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cửa thị trường đang rộng mở với rau quả, nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm. Điều này đặt ra cho ngành rau quả Việt Nam những thách thức nào trong chiến lược xây dựng thương hiệu để tham gia sâu vào thị trường Anh trong thời gian tới, thưa ông?

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã có những nhận định chính xác. Thị trường Anh là thị trường khi chúng ta xuất hàng rau quả họ không áp dụng hạn ngạch mà chỉ có yêu cầu quan trọng nhất về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, thương hiệu phải được xây dựng có thời gian, lộ trình, không phải muốn có là có. Tiếp đến, thương hiệu doanh nghiệp, quốc gia phải dựa trên chất lượng sản phẩm đưa vào thị trường Anh để tiêu thụ, phải dựa trên nền sản xuất với công nghệ hiện đại, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Anh cũng như tiêu chuẩn và chất lượng. Nói chung, gói gọn trong bốn chữ sản phẩm rau quả của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - ngon. Đó là những tiêu chuẩn để khi người tiêu dùng nghĩ tới hàng rau quả Việt Nam.

Hiện nay, tại thị trường Anh chúng ta cũng chưa có những doanh nghiệp đủ lớn mạnh để bước vào thị trường này với thương hiệu riêng và có đủ sức cạnh tranh hiệu quả với các nước.

Muốn cạnh tranh được, thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng được các vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu sang Anh, ít nhất phải có vùng trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, chúng ta cũng phải cải tiến giống cây trồng phù hợp để cho ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của Anh. Công nghệ chế biến, bảo quản đóng gói của doanh nghiệp phải được nâng cao như trình độ tiên tiến của thế giới. Có như vậy mới đưa được sản phẩm của Việt Nam đi bằng tàu, container tới thị trường Anh nhằm hạ giá thành, mới cạnh tranh được với các nước gần với thị trường Anh như châu Phi, Nam Mỹ…

Thứ hai, một chiến lược nhằm giúp hình thành nên thương hiệu là vai trò hệ thống Thương vụ Việt Nam nước ngoài mà ở đây là Thương vụ Việt Nam tại Anh nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường Anh, tiếp cận được người mua, các Tập đoàn, công ty lớn để có thể kết nối, hợp tác sản xuất kinh doanh; thông qua việc tổ chức các đoàn giao dịch thương mại hàng năm, các hội chợ xúc tiến thương mại ngành rau quả. Từ đó, khi có thương hiệu doanh nghiệp, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Đó là những thách thức chúng ta phải làm trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hà Hương
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định UKVFTA

Tin cùng chuyên mục

Thương mại nông nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh còn nhiều dư địa tạo đột phá

Hiệp định UKVFTA: Nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Hệ sinh thái FTA: Giải pháp tốt cho ngành dệt may tận dụng Hiệp định UKVFTA

Quần áo ‘made in Viet Nam’, rau quả ‘farm in Viet Nam’ xuất hiện nhiều tại Vương quốc Anh

Nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang thị trường Anh

Hiệp định UKVFTA - 'đòn bẩy' xúc tiến xuất khẩu quế Yên Bái

Xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế

Cá ngừ Việt Nam rộng cửa sang Anh nhờ UKVFTA

Vượt qua thách thức, tận dụng lợi thế UKVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt

Hiệp định UKVFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Anh

Cà phê Việt lan tỏa tại thị trường Anh nhờ UKVFTA

TP. Hồ Chí Minh: Quán quân trong khai thác và tận dụng ưu đãi thuế từ UKVFTA

Cá ngừ Việt Nam đang có nhiều lợi thế tại thị trường Anh

UKVFTA mang đến lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam

Với lợi thế từ UKVFTA, dư địa xuất khẩu tôm vào Anh luôn rộng mở

Thương hiệu, thị phần hàng Việt tại thị trường Anh vẫn khiêm tốn

Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh họp khoá 13

Ủy ban thương mại Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) họp phiên thứ 2

Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp Quốc vụ khanh Thương mại Quốc tế Anh Nigel Huddleston

Tận dụng UKVFTA, gia tăng cơ hội hàng Việt vào thị trường Anh