Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Anh Chủ động tìm hiểu thị trường, tăng cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Anh đảo chiều sụt giảm |
Vương quốc Anh có nhu cầu tiêu thụ cá ngừ lớn
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Anh sau một thời gian tăng trưởng tốt đã sụt giảm trong tháng 9/2023, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5,5 triệu USD.
Về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 sang thị trường Anh, chiếm tới hơn 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam sang Anh đang tăng mạnh.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Vương quốc Anh vẫn tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5,5 triệu USD |
Cũng theo thông tin từ VASEP, tại thị trường Anh, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu thị trường này. VASEP dự báo hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh trong những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục khả quan bởi nhu cầu tiêu dùng cà ngừ tại thị trường này là rất lớn.
Cụ thể, ấn phẩm "Phát triển thị trường UK đối với ngành hàng thủy sản Việt Nam" của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tổng lượng tiêu thụ thủy sản trung bình của một người dân Anh, khoảng 217g/người/tuần, thì lượng tiêu thụ các dòng cá béo (chưa tính cá ngừ đóng hộp) chiếm khoảng ¼ với khoảng hơn 50 g/người/ tuần.
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng thay đổi sau tác động của đại dịch Covid-19 khiến người dân Anh ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm đã chế biến, đóng hộp do tính tiện dụng của chúng.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tuy có nhu cầu tiêu thụ tốt nhưng tương tự như với các mặt hàng thủy sản khác, nguồn cung các dòng cá béo (oily fish) của Vương quốc Anh phần nhiều phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu.
Trong tổng số khoảng 124 loài được nhập khẩu, chiếm khoảng 82% tổng khối lượng thủy sản mà quốc gia này tiêu thụ là 33 nhóm loài chính. Trong đó, 5 mặt hàng chính, chiếm khoảng 62% lượng tiêu thụ thủy sản của Vương quốc Anh, gồm: cá tuyết chấm đen, cá tuyết, cá hồi, tôm và cá ngừ, phần lớn đều đến từ các nguồn cung ứng bên ngoài.
Các mặt hàng cá ngừ được nhập khẩu nhiều nhất vào Anh là các sản phẩm đã qua chế biến với tỷ trọng trên 90% tổng trị giá nhập khẩu của mặt hàng. Tiếp theo là các sản phẩm đông lạnh và cuối cùng là các sản phẩm ướp lạnh hoặc cá tươi. Các sản phẩm cá ngừ chế biến phổ biến nhất là cá ngừ đóng hộp phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Anh và có giá cả phải chăng.
Hai kịch bản xuất khẩu cá ngừ giai đoạn 2020-2025
Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), về cam kết thuế quan, Hiệp định này có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, đồng nghĩa với việc mức thuế nhập khẩu đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ.
Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ lon đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%. Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp - tỉ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế, sau đó mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm.
"Với thoả thuận này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Vương quốc Anh", Cục Xuất nhập khẩu ước tính.
Dự báo xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể sẽ dần hồi phục và đạt tăng trưởng trung bình 8-9%/năm |
Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Quy định về Quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA, với tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy.
Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu đã từng dự báo kịch bản khai thác thị trường giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, xuất khẩu cá ngừ nói chung và xuất khẩu cá ngừ sang Vương quốc Anh nói riêng cần nhiều nỗ lực để phục hồi về mức khoảng 12-15 triệu USD/năm. Kết quả này có thể đạt trong kịch bản sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm mạnh và mức tiêu thụ cá ngừ của Anh gia tăng
Trong các kịch bản kém thuận lợi hơn, xuất khẩu cá ngừ sang Anh có thể đạt trên 10 triệu USD/năm. Tuy nhiên, với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm cá ngừ Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác. Về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Dự báo xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể sẽ dần hồi phục và đạt tăng trưởng trung bình 8-9%/năm.