Lợi ích dài hạn cho dệt may Việt Nam
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã tạo động lực cho thương mại song phương tăng trưởng liên tục.
Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Hàng Việt Nam đang có cơ hội từ các ưu đãi thuế quan theo UKVFTA. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hàng Việt Nam đang có cơ hội từ các ưu đãi thuế quan theo UKVFTA. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: Giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da, dệt may... sang Anh quốc.
Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Cường, hiện nay, may mặc là nhóm hàng mà Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu lớn. Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hàng may mặc vào Vương quốc Anh đạt khoảng 24 đến 25 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2017- 2019, chiếm 3-4% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Anh.
Báo cáo Phát triển thị trường UK đối với ngành dệt may của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy các cam kết thuế quan trong UKVFTA mang đến lợi ích dài hạn cho dệt may Việt Nam tại Vương quốc Anh. Về cơ bản, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu nói chung, mặt hàng dệt may nói riêng, từ Việt Nam vào thị trường này sẽ bằng với thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào EU tại bất kỳ thời điểm nào bắt đầu từ khi UKVFTA có hiệu lực.
Theo đó, với UKVFTA, Vương quốc Anh xóa bỏ thuế quan với 42,5% dòng thuế từ ngày 1/1/2021; xóa bỏ phần thuế quan còn lại sau 2, 4 hoặc 6 năm. Khi đó, so với Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh như: Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn lợi thế cạnh tranh về thuế quan nữa.
Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi UKVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng và cavat (trừ loại tơ tằm), găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse hoặc sơ mi dệt kim dành cho nữ hoặc trẻ em gái, một số bộ comple, bộ đồ, áo jackets…
Thực tế nếu tính cả thời gian được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA thì hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh đã được hưởng ưu đãi thuế quan hơn 2 năm. Trong 2 năm này, thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng dệt may vẫn còn cao hơn so với thuế suất GSP 9,6% đang được hưởng. Tuy nhiên Hiệp định UKVFTA sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, cũng tương tự EVFTA, khi một nước đang được Vương quốc Anh cho hưởng cơ chế GSP mà ký kết FTA với Anh thì cơ chế GSP sẽ tự động kết thúc. Theo UKVFTA, Việt Nam có lộ trình 6 năm để chuyển đổi từ GSP sang UKVFTA. Theo đó, đến hết năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc UKVFTA và áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tương ứng.
Trong 4 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh quốc vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc UKVFTA, tuy nhiên, phải đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong UKVFTA. Sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ hưởng mức thuế và áp dụng quy tắc xuất xứ hoàn toàn theo UKVFTA.
Xây dựng chuỗi sản xuất khép kén, gia tăng thị phần tại Anh
UKVFTA quy định tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm dệt may là tiêu chí hai công đoạn, nghĩa là công đoạn dệt vải và công đoạn may thành phẩm phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc tại thị trường Vương quốc Anh.
Với quy định xuất xứ như vậy, vải sử dụng để cắt may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc Vương quốc Anh. Đây là thách thức không nhỏ của ngành dệt may Việt Nam do hiện nay ngành dệt may chưa chủ động nguồn cung trong nước, vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu (70%), trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.
Hiệp định UKVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh. Ảnh TTXVN |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi từ các hiệp định là cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, ngoài ra, Việt Nam có thể sử dụng vải nhập khẩu từ các quốc gia đã và sẽ ký kết FTA với UK để cắt may tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định, có thể nói, trước mắt, quy tắc xuất xứ của UKVFTA vẫn là thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, trong ngắn hạn UKVFTA chưa tạo ra một “cú huých” mạnh mẽ cho ngành dệt may Việt Nam như thời kỳ gia nhập WTO hay khi ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam -Hoa Kỳ (BTA).
Trong dài hạn, với quy mô thị trường đủ lớn, quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải trở đi” của UKVFTA kết hợp với nguyên tắc chủ đạo “từ sợi trở đi” của CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Dù vậy, Hiệp định UKVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh, giúp đa dạng hóa thị trường, hạn chế bớt các rủi ro khi thị trường Hoa Kỳ biến động do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa kết thúc.