Xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp gặp khó
Trong năm 2020, Bình Phước đã thành lập 7 CCN, tuy nhiên việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc lập báo cáo của chủ đầu tư, trình, thẩm định, phê duyệt còn mất nhiều thời gian do trình tự thủ tục theo quy định hiện hành. Tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong việc kết nối giao thông vào CCN, tiếp đó là giải phóng mặt bằng bởi đa phần diện tích CCN nằm trong diện tích của Tập đoàn Cao su Việt Nam nên gặp nhiều khúc mắc, trong đó có việc thanh lý cây sao su. Cùng đó, tỉnh đang tiến hành rà soát để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào CCN, tuy nhiên chi phí quá lớn tạo gánh nặng cho ngân sách của tỉnh.
CCN đáp ứng nhu cầu sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn |
Ngoài ra, việc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào CCN cũng đang gặp khó khăn. Nguyên do, doanh nghiệp sản xuất lo ngại vào CCN sẽ thiếu lao động. Hơn nữa, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thường tận dụng mặt bằng nhà ở để làm nơi sản xuất, vào CCN phải bỏ vốn đầu tư nhà xưởng và các trang thiết bị khác.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bình Phước đã sớm xây dựng quy hoạch phát triển CCN. Bên cạnh những chính sách chung từ cấp trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng. Trong đó, Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn hỗ trợ 394 tỷ đồng và được phân bổ cụ thể theo từng năm. Nguồn vốn này được tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung của CCN, gồm: Hệ thống các công trình giao thông nội bộ; hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải; hệ thống điện trong CCN; hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Mức hỗ trợ 15% dự toán hạng mục công trình được phê duyệt. Để tránh lãng phí nguồn kinh phí, UBND tỉnh Bình Phước quy định rõ đối tượng được hỗ trợ, gồm: Các CCN đã có quyết định thành lập và nằm trong danh mục CCN; có đầy đủ hồ sơ đất đai theo quy định; có quy hoạch chi tiết, thiết kế kỹ thuật-dự toán công trình được phê duyệt. Tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh các CCN, cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn.
Cùng đó, Bình Phước cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, như: Hỗ trợ trên 40% doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mặt bằng sản xuất tại các khu, CCN, cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn; đưa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm; đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Mi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, để thuận lợi trong công tác quản lý CCN, một số điều chỉnh nhỏ lẻ như diện tích, tên gọi… nên có quy định chung và phân quyền cho địa phương chủ động điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo với Bộ Công Thương. Điều này sẽ giảm thời gian và thuận lợi hơn cho giải quyết các thủ tục hành chính, thêm điểm cộng thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đầu tư thứ cấp vào CCN.
Việc sớm quy hoạch và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển CCN đã giúp Bình Phước đi nhanh trong quá trình hoàn thiện hạ tầng CCN, đáp ứng một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. |