Xáo trộn giấc mơ tự do thương mại sau 30 năm của WTO
Khi các Bộ trưởng thương mại tập trung tại thành phố Marrakech của Maroc cách đây 30 năm để ký thỏa thuận thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có nhiều ý kiến lạc quan về việc cơ quan này sẽ mở cửa các thị trường mới và đóng vai trò là trọng tài khi tranh chấp thương mạinổ ra giữa các quốc gia.
Bối cảnh ngày nay đã khác rất nhiều so với tháng 4 năm 1994. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã trỗi dậy sau những nhiệt tình đối với các thỏa thuận tự do hóa thương mại mang tính đột phá. Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng mở rộng. Cuối tháng 3, Trung Quốc chính thức mở vụ kiện lên WTO đối với Mỹ, trong đó Bắc Kinh cố gắng bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của mình, cáo buộc các khoản trợ cấp của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy sản xuất xanh ở Mỹ đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Tranh chấp về Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden nêu bật ba xu hướng: Làn sóng toàn cầu hóa đi xuống, mối quan hệ ngày càng khó khăn giữa hai nền kinh tếlớn nhất thế giới và tình trạng rối loạn chức năng của chính WTO. Có rất ít hy vọng rằng vụ kiện của Trung Quốc chống lại Mỹ sẽ được giải quyết vì WTO không còn có thể giải quyết tranh chấp nữa.
Bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại phán quyết của WTO đều có quyền kháng cáo, nhưng cơ quan phúc thẩm cần các thẩm phán hoạt động và kể từ cuối năm 2019, Mỹ đã ngăn chặn mọi cuộc bổ nhiệm mới vào ban hội thẩm. Đó không phải là lý do duy nhất của vụ tranh cãi. Về cơ bản, vấn đề là do thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốcvới Mỹ và chính quyền Tổng thống Biden tin rằng thâm hụt của Mỹ là kết quả của sự cạnh tranh không lành mạnh.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết năng lực sản xuất của Trung Quốc đã “mở rộng đáng kể” kể từ đại dịch Covid. Một phần điều đó phản ánh phản ứng trước nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng nhưng như trong trường hợp xe điện - thể hiện một quyết định chính sách có chủ ý của Bắc Kinh nhằm giành lấy thị phần.
Cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ của đương kim Tổng thống Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, đã hứa sẽ có hành động cứng rắn để ngăn thị trường ô tô Mỹ tràn ngập. Từng áp thuế 300 tỷ USD lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc khi còn là tổng thống, ông Trump giờ đây cho biết ông sẽ áp thuế 100% đối với ô tô Trung Quốc nhập khẩu từ Mexico, thuế 50% đối với các hàng hóa khác của Trung Quốc và 10% đối với hàng hóa được sản xuất ở nơi khác trên thế giới.
Ông Trump đã nói rõ rằng ông không bận tâm trước khả năng Trung Quốc hoặc các nước khác có thể đáp trả bằng các biện pháp ăn miếng trả miếng nhằm trừng phạt các nhà xuất khẩu Mỹ. Tổng thống Biden sử dụng ngôn ngữ ít cảm xúc hơn, nhưng trên thực tế đã có đường lối cứng rắn với Trung Quốc về thương mại.
Các nhà phân tích nhận định bất kể ai thắng cử Tổng thống Mỹ, tương lai của quan hệ thương mại Mỹ-Trung không có vẻ tươi sáng như vậy. Tất cả các mức thuế của chính quyền Trump vẫn được áp dụng và chính quyền Biden chưa loại bỏ một mức thuế nào. Một trong số rất ít vấn đề lưỡng đảng còn tồn tại ở Washington là bản chất mất cân bằng trong mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Các nhà đầu tư có thể lo lắng về sự trở lại tiềm năng của ông Trump và mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại mới, nhưng cuộc xung đột đó có vẻ dễ xảy ra hơn bao giờ hết, cho dù chính quyền tiếp theo là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa.
Với tư cách là Tổng giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, lưu ý, ngoài những tranh chấp Bắc-Nam toàn cầu quen thuộc, còn có những dấu hiệu tại cuộc họp cấp Bộ trưởng WTO gần đây ở Abu Dhabi về sự chia rẽ Nam-Nam. Những điều này phản ánh sự khẳng định của một số quốc gia đang phát triển lớn hơn - như Ấn Độ và Brazil - rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe.
Bà Okonjo-Iweala tuyên bố, mọi việc trở nên khó đạt được thỏa thuận giữa 166 thành viên của WTO. Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala cho biết cuộc cải cách có ý nghĩa sẽ đòi hỏi các nước đang phát triển phải đóng vai trò lớn hơn. Điểm mấu chốt là cần có nỗ lực tập thể phối hợp để thực hiện các hiệp định của WTO và tạo ra một tổ chức có khả năng giải quyết các vấn đề của thế kỷ này.
Nhưng lập trường của Mỹ sẽ rất quan trọng nếu WTO thực hiện vai trò của mình trong việc kiểm soát thương mại toàn cầu. Và vấn đề cải cách tổ chức và giải quyết tranh chấp trong WTO sẽ như thế nào còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.