Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường (Bộ Công Thương) và Bộ Năng lượng & Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh tổ chức hội thảo về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một quần đảo nằm giữa biển Bắc và Bắc Đại Tây dương có diện tích 243.610 km2, dân số 63.047.162 người (2011) đứng thứ 3 trong EU (sau CHLB Đức và CH Pháp). Tuy không phải là cường quốc về dân số và diện tích lãnh thổ của EU, nhưng từ nhiều năm nay, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len lại là bạn hàng thứ 2 (sau Đức) và đối tác thứ 3 về đầu tư vào Việt Nam (sau Hà Lan và CH Pháp).
Trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (gọi tắt là Vương quốc Anh) có cái gì đó không mấy gần gũi và thân thiện như với CH Pháp hay CHLB Đức. Cũng dễ hiểu, người Pháp có mặt ở Việt Nam từ khá sớm (đầu thế kỷ XX). Còn với nước Đức, có một thời (những năm 70, 80 của thế kỷ trước) đã có hàng chục nghìn người Việt Nam sang CH Dân chủ Đức lao động và học nghề. Thêm nữa, về địa lý, rõ ràng Vương quốc Anh xa xôi, cách trở với Việt Nam nhiều hơn hẳn so với CH Pháp và CHLB Đức. Tuy nhiên, trên thực tế, Vương quốc Anh thiết lập quan hệ cấp đại sứ với Việt Nam chỉ sau CH Pháp vài tháng và sớm hơn CHLB Đức những 2 năm (11/9/1973). Sau này, khi quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam phát triển ở tầm cao mới thì chính Vương quốc Anh là nước đi đầu trong EU có bước đột phá quan hệ đối tác với Việt Nam. Trên cơ sở Tuyên bố “Quan hệ đối tác vì sự phát triển” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Grordo Brown ký tại London tháng 3/2008 nhân sự kiện hai nước chuẩn bị kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 9/2010 hai Chính phủ đã ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - Anh thành đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác là: Chính trị, ngoại giao; các vấn đề toàn cầu và khu vực; thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giáo dục - đào tạo; an ninh quốc phòng; giao lưu nhân dân.
Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân sinh động để lý giải vì sao không phải là quốc gia đứng nhất, nhì về dân số cũng như diện tích lãnh thổ ở EU nhưng Anh lại là bạn hàng thứ 2 và đối tác đầu tư thứ 3 của Việt Nam. Và, thật ấn tượng khi Anh vượt lên, trở thành thị trường nhập siêu hàng hóa Việt Nam lớn nhất EU từ nhiều năm qua.
Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khá sớm. Tuy nhiên sự khởi đầu trong hợp tác, phát triển với Việt Nam lại khá chậm chạp, khiêm tốn và chỉ thực sự chuyển động bắt đầu vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Thế rồi, mối quan hệ đó được bứt tốc và đi vào thực chất, nhất là về trao đổi thương mại từ những năm giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Những con số sau đây đã nói lên điều đó: Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu sang Anh mới chỉ 1,179 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh là 201,3 triệu USD. 5 năm sau (2010) chỉ số đó là: 1,682 tỷ USD/511 triệu USD. Tương tự, năm 2011 là: 2,389 tỷ USD/465 triệu USD; năm 2012 là: 3,033 tỷ USD/542 triệu USD. Năm 2014, theo Cơ quan Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,8 tỷ bảng Anh (khoảng 4,5 tỷ USD), giảm không đáng kể so với năm 2013 và tăng hơn 30% so 2012. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 2,46 tỷ bảng (khoảng 3,95 tỷ USD) và nhập khẩu từ Anh 340 triệu bảng (khoảng 544 triệu USD). Như vậy, từ năm 2006 đến 2014 hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Anh chỉ ở mức 450 - 550 triệu USD/ năm, còn lại là Việt Nam xuất siêu và liên tục tăng trên dưới 2%/năm; năm 2014 chỉ số này khoảng 3,4 tỷ USD. Một con số thật ấn tượng! Anh nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất là: Sản phẩm dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện máy tính, đồ gỗ nội thất, chè, cà phê, gạo, thủy sản, cao su..., trong khi Việt Nam nhập khẩu từ Anh: Hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp, hóa chất, thiết bị viễn thông, thuốc lá...
Một vấn đề đặt ra: Vì sao Anh là thị trường xuất siêu lớn nhất EU của Việt Nam? Hẳn cơ quan chức năng quản lý nhà nước (Bộ Công Thương), các nhà quản lý kinh tế, chuyên gia hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế đã có những giải mã về “hiện tượng” thị trường Anh. Người viết bài có một vài cảm nhận:
- Kinh tế Anh là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân (chiếm 80% sản lượng xã hội và lao động). Từ lâu, Anh đi đầu các nước phương Tây trong việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Anh nổi bật trong các nền kinh tế toàn cầu hóa và lớn thứ 7 thế giới (thứ 2 EU, sau CHLB Đức) với GDP năm 2011 đạt 2.481 tỷ USD, năm 2014 đạt mức tăng gần 3%, bình quân đạt 35.900 USD/người.
- Thương mại của Anh đứng thứ 6 thế giới (sau Mỹ, Đức, Trung Quốc, Pháp và Nhật Bản). Năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Anh, nếu tính cả dịch vụ đạt khoảng 750 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 790 tỷ USD. Cũng năm 2014, tổng giá trị bán lẻ của đảo quốc sương mù đạt gần 550 tỷ USD, tăng 5% so năm 2013.
- Chính sách thương mại của Anh khá cởi mở, không theo chủ nghĩa bảo hộ. Chính vì vậy, trong nhiều tranh chấp, các vụ kiện bán phá giá, hải sản nhiễm kháng thể, vấn đề GSP, giày mũ da... giữa EU với Việt Nam, Anh thường có lập trường ủng hộ Việt Nam như từng nhiệt thành ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quy chế kinh tế thị trường. Cũng như vậy, từ nhiều năm nay, Chính phủ Anh đánh giá Việt Nam là thị trường có triển vọng cao ở khu vực ASEAN và đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và tăng cường quan hệ giao thương.
Như vậy, trong quan hệ, trao đổi thương mại, có thể nói, Vương quốc Anh là thị trường hàng hóa và dịch vụ không chỉ tiềm năng mà còn khá cởi mở với Việt Nam. Nếu không thì Anh đã không trở thành bạn hàng thứ 2 và là thị trường nhập siêu lớn nhất EU của Việt Nam!
Đây là một trong những nguyên nhân và lợi thế quan trọng mà các cơ quan chức năng liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và khai thác tối đa. Nguyên nhân và lợi thế này sẽ còn rộng mở hơn và đem lại nhiều cơ hội hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh khi FTA giữa EU và Việt Nam được ký kết.
Vương quốc Anh đứng thứ 3 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam gồm 163 dự án với tổng vốn đăng ký 2,69 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư nhiều nhất là: Khai khoáng (7 dự án), tổng vốn đăng ký là 715,6 triệu USD; công nghiệp chế biến, chế tạo (55 dự án), tổng vốn đăng ký 714,4 triệu USD; kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 548 triệu USD; còn lại là lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. |
Bài 3: Cộng hòa liên bang Đức - đầu tàu” về quan hệ thương mại
TIN LIÊN QUAN | |
“Tứ đại gia’’ EU trong hợp tác, phát triển với Việt Nam |