Vĩnh Phúc: Xây dựng Văn kiện Dự án phát triển năng lực địa phương
Ngày 2/8, ông Trần Duy Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam về việc phối hợp xây dựng Văn kiện Dự án Phát triển năng lực địa phương.
Dự án nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chung giữa USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng kinh phí lên tới 19 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2028 tại 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp. Mục tiêu dự án là hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các tổ chức địa phương, nhằm thúc đẩy quy trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách minh bạch hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam. Dự án mong muốn đưa ra mô hình chứng minh giá trị của việc gắn kết và tương tác giữa các bên liên quan ở địa phương một cách cởi mở, dựa trên bằng chứng, về lâu dài sẽ đưa đến sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và các tổ chức địa phương để giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông tại buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Khánh) |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện phía dự án đã tập trung trao đổi, xác định các nội dung liên quan đến 4 lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ cho địa phương gồm: Phát triển kinh tế địa phương, chuyển đổi số và cải cách hành chính, bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển du lịch bền vững; thống nhất cơ chế phối hợp để làm cơ sở hoàn thiện văn kiện dự án. Đồng thời, lựa chọn triển khai tại 3 đơn vị cấp huyện, gồm: Vĩnh Tường, Yên Lạc và Tam Đảo.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, việc triển khai dự án rất cần thiết để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nhất trí với nội dung 3 hợp phần của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, cơ quan chủ quản dự án nghiên cứu thêm một số nội dung của hợp phần 2 và hợp phần 3; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối xác định các lĩnh vực ưu tiên, lộ trình thực hiện phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Đồng tình với các lĩnh vực ưu tiên trong dự án, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu cụ thể hơn về phát triển phát triển kinh tế địa phương, trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; nghiên cứu thêm các giải pháp phát triển làng nghề cụ thể đối với từng địa phương; phát triển kinh tế tư nhân gắn với liên kết với các doanh nghiệp FDI, kinh tế tuần hoàn và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển thương mại điện tử. Về lĩnh vực chuyển đổi số và cải cách hành chính, cần quan tâm nâng cao Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin...