Vĩnh Phúc: 'Vốn mồi' khuyến công phát huy hiệu quả
Hỗ trợ tăng năng suất lao động
Vừa qua, Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên) đã được nghiệm thu đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí”, tổng kinh phí thực hiện 1.110 triệu đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 270 triệu đồng.
Thực hiện đề án, công ty đã đầu tư mua mới 1 máy cắt LASER FM3015 và 1 máy chấn. Đây là các máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất của cơ sở. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, khi đi vào hoạt động thiết bị mới đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm nhân công so với làm thủ công. Đặc biệt, máy móc đầu tư mới đã làm đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của cơ sở.
“Vốn mồi” của khuyến công Vĩnh Phúc phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa: Hoàng Dương |
Đặc biệt, đề án hoàn thành đã giúp đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường khu vực làm việc, góp phần ổn định việc làm của lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Tương tự, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Duy (huyện Sông Lô) và hộ kinh doanh Hà Văn Quảng (huyện Lập Thạch) cũng đã được khuyến côngVĩnh Phúc hỗ trợ thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm”.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Duy đầu tư 4 thiết bị: Máy cắt nhôm 2 đầu, máy phay kim loại, máy đột dập, máy nén khí với tổng kinh phí 390 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 113 triệu đồng.
Những loại máy này giúp hộ kinh doanh nâng cao năng suất, đa dạng mẫu mã sản phẩm, làm tăng thêm giá trị gia tăng của cơ sở. Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí thuê gia công, chủ động được thời gian, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng đánh giá cao hiệu quả của công tác hỗ trợ, theo hộ kinh doanh Hà Văn Quảng, đề án hoàn thành giúp cho Hộ kinh doanh Hà Văn Quảng gia công cơ khí đạt chất lượng, nâng cao năng suất, giảm công lao động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lan tỏa hiệu quả
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất là nội dung được Trung tâm phát triển Công Thương Vĩnh Phúc (Trung tâm) ưu tiên triển khai, cũng là nội dung thu hút lượng kinh phí thực hiện lớn.
Theo báo cáo từ Trung tâm, nửa đầu năm 20254, Trung tâm đã ký hợp đồng với 11 cơ sở công nghiệp nông thôn hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí 1.718 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền về chính sách khuyến công; tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ kinh phí đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ trình độ quản lý còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận hoạt động khuyến công. Nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế. Năng lực xây dựng hồ sơ đề án còn hạn chế.
Cùng đó, khả năng nắm bắt thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, khả năng tiếp thị chưa nhiều, mới chỉ phát triển chiều rộng chưa phát triển chiều sâu, do đó việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Để khắc phục những thách thức trên, trước mắt, Trung tâm xác định bám sát các cơ sở thụ hưởng nhằm đảm bảo các đề án được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Cùng đó, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chính sách khuyến công giúp các cơ sở, doanh nghiệp hiểu và thụ hưởng chính sách.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đề xuất Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách khuyến công, nhất là các văn bản áp dụng ở địa phương đảm bảo sự thống nhất trong cả nước.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký các đề án kế hoạch khuyến công quốc gia.
Tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm khuyến công từ tỉnh xuống đến cơ sở trong hoạt động khuyến công.