Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp-xây dựng 14,5-15,5%
Mục tiêu tăng trưởng GDRP 10-11%
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế vẫn có nhiều khởi sắc, 15/15 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu kế hoạch năm; trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt ngoài dự báo.
Điển hình như chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 7,52% cao hơn bình quân chung của cả nước. Cùng với đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,3% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 12,55%. Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.700 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 26.279 tỷ đồng, cao hơn dự toán trung ương giao 1.200 tỷ đồng...
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp xây dựng 14,5-15,5% trong năm 2025. Ảnh minh hoạ |
Nhìn lại kết quả tăng trưởng GRDP 7,52% trong năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho rằng, 6 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc chỉ đạt 6,26%, trong khi bình quân cả nước đạt 6,42%. Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn, thách thức, bước sang quý III, quý IV năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có sự phục hồi trở lại; ước tăng trưởng quý III đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc, qua đó đưa tốc độ tăng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95% và tăng trưởng cả năm đạt 7,52% đứng thứ 26 cả nước và cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước với 7,09%.
“Quy mô GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173 nghìn tỷ đồng, trong nhóm 15 tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước, tăng 10% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng, tăng 11,3 triệu đồng so với năm 2023” - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.
Thực hiện chỉ đạo của trung ương và Công điện số 140/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mục tiêu phấn đấu từ 10-11%; theo đó ngành công nghiệp xây dựng phải tăng từ 14,5-15,5%; ngành dịch vụ tăng từ 8-9%; ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng từ 2,5-3%.
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh minh hoạ |
Tập trung 5 giải pháp trong năm 2025
Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó chi tiết kịch bản tăng trưởng phấn đấu trên 10% theo từng quý gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.
Thứ hai, hoàn thành sớm việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tiếp tục rà soát, thực hiện mạnh mẽ hơn các quy định về phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp và các cơ quan ở địa phương.
"Đồng thời, tập trung triển khai thi hành các luật mới được ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Đầu tư công,… để tháo gỡ các nút thắt về bồi thường - giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội…" - ông Trần Duy Đông thông tin.
Thứ ba, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, có giá trị gia tăng cao, tham gia toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, quyết liệt, tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, tồn đọng theo Công điện 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án giao thông có tính kết nối liên vùng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, đảm bảo cấp điện ổn định, nguồn nước sạch, hệ thống xử lý chất thải hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn thu hút dự án bán dẫn.
Thứ năm, rà soát các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; trong đó tỉnh ưu tiên triển khai hợp tác với các tập đoàn có uy tín để đào tạo nhân lực chất lượng cao về các ngành công nghiệp bán dẫn, logistics, điện, điện tử và cơ khí. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư trên địa bàn…
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã. Hoàn thành sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo hướng bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết tâm xử lý dứt điểm các vướng mắc và chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kịp thời thực hiện các chính sách về thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. |