Mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may chiếm 91% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực Công Thương ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Các ngành công nghiệp có mức tăng cao: Hàng thủ công mỹ nghệ 33,4%, may mặc 18,78%, sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng 18,62%, sản xuất bia 10,72%, sản xuất phân bón 14,47%…
Đáng chú ý, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp trên địa bàn từng bước được cải thiện do phần lớn doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu. Trong xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng, thị trường mới, nhờ vậy giá trị xuất khẩu vẫn tăng dù nhiều thị trường truyền thống có xu hướng giảm cầu.
Theo ông Phạm Tứ Phương - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu khai thác tốt, đạt mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 12%. Một số ngành hàng không đạt kế hoạch sẽ có định hướng phát triển cho 6 tháng cuối năm; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với những mặt hàng có thế mạnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến thông tin về thị trường, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao; lựa chọn phương án phù hợp trong đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng tạo thuận lợi ở mức độ cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Vĩnh Long hiện có 2 khu công nghiệp (Hòa Phú, Bình Minh), tập trung sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, dệt may, lắp ráp điện - điện tử… |