VIFTA kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Israel
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Israel
Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á. Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.
Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6%; Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%; Nhập siêu của Việt Nam từ Israel có giá trị 656,5 triệu USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2021. |
Nhằm mục đích làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức "Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel" ngày 19/8. Đây là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Israel tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Israel ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel |
Thông tin tại Diễn đàn, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Israel là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Tây Á.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng trao đổi thương mại song phương đạt bình quân mỗi năm hơn 1,6 tỷ USD/năm. Hai nền kinh tế có những thế mạnh, điều kiện thuận lợi riêng, có đặc điểm bổ sung trực tiếp cho nhau. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Israel trong các ngành mà Israel có thế mạnh như công nghệ sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ điện tử, nông nghiệp thông minh, an ninh mạng… Israel có thể đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nghiên cứu các nguồn cung ứng ổn định từ Việt Nam đối với các sản phẩm lương thực, thủy sản, thực phẩm chế biến, trái cây, hàng tiêu dùng.
Vừa qua, ngày 25/7/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết. Ông Trần Quang Huy đánh giá, VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…
"Với cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa, thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài việc góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…" - ông Trần Quang Huy nhận định và cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Israel còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục tăng cường, nhất là sau khi hai Bên đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết ngày 25/7 tại Israel |
Để tiềm năng thành hiện thực
Để biến tiềm năng hợp tác thành hiện thực, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã nêu ra một số đề xuất trong thời gian tới. Thứ nhất, hai Bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư tại mỗi nước.
Thứ hai, phía Việt Nam khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam…
Thứ ba, đề nghị phía Israel nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm như linh kiện bán dẫn, các sản phẩm từ sữa…
Thứ tư, phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Israel trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ công nghệ về sản xuất công nghiệp điện tử, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu, công nghệ thông tin, sản xuất xanh, sạch.
Theo đó, thông qua các chương trình kết nối giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề mình quan tâm, nhu cầu xuất - nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Israel - ông Trần Quang Huy nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Huy kỳ vọng “với sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Israel, chắc chắn quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước nói chung và quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ phát triển tốt đẹp trong thời gian tới."
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công Nghiệp Israel Nir Barkat tại Việt Nam từ ngày 14 - 17/8/2023, nhằm mục đích làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel, ngày 16/8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel". Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương. Về phía Israel, có Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công Nghiệp Israel Nir Barkat, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer. Về phía doanh nghiệp hai nước, có trên 150 Hiệp hội, Công ty, Tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Israel tham dự Diễn đàn.
|