Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trung và dài hạn
JBIC vừa tiến hành cuộc khảo sát về môi trường đầu tư năm 2021 với sự tham gia của 515 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam xếp hạng 4, nằm trong top đầu của các quốc gia ASEAN trong 3 năm liên tiếp. Theo ông Toru Aguin – Trưởng đại diện JBIC tại Hà Nội, dự kiến tháng 3/2022, đơn vị này sẽ tổ chức hội thảo "Nghiên cứu về kỳ vọng của doanh nghiệp Nhật Bản với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao của Việt Nam", nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư tại Việt Nam |
Trước đó, Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng đã công bố kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021. Kết quả cho thấy, mặc dù Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2021, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất lạc quan với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 và cả năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam vẫn đạt 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN. Các doanh nghiệp Nhật Bản trong cuộc khảo sát của JETRO cũng đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam nhờ vào những lợi thế về khả năng thị trường, tiềm năng phát triển kinh tế thông qua hội nhập kinh tế quốc tế và tình hình chính trị, xã hội ổn định…
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3, sau Hàn Quốc và Singapore với tổng vốn đăng ký là 63,96 tỷ USD, trong khi đó Hàn Quốc và Singapore lần lượt có tổng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam là 77,3 tỷ USD và 65,2 tỷ USD. Với kết quả trên, Nhật Bản chỉ đứng sau “á quân” Singapore khoảng hơn 300 triệu USD.
Riêng trong tháng đầu tiên của năm 2022, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 9 dự án mới, điều chỉnh 7 dự án và góp vốn, mua cổ phần tại 8 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 200 triệu USD.
Nhà đầu tư Nhật Bản đang hướng đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân của Việt Nam |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả thực hiện, sự xuất hiện của nhiều thương hiệu hàng đầu Nhật Bản tại Việt Nam như Honda, Toyota, Canon… cũng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Hiện FDI Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 65,3% tổng vốn đăng ký; sản xuất phân phối điện, chiếm 11,5% và kinh doanh bất động sản, chiếm 11%.
Tuy nhiên, theo ông Takeo Nakajama - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội, thời gian gần đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam bắt đầu có sự điều chỉnh, với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ nhằm hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu, nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.
Điển hình của sự chuyển hướng này là sự kiện Uniqlo – Thương hiệu thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản và Tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, đây cũng là sự chuyển hướng tích cực nhằm vào thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo khá tích cực trong năm 2022.
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, ông Toru Aguin cũng cho biết, những năm qua, đơn vị này đã cung cấp nhiều khoản vay thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam. JBIC cũng cho biết, luôn khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản sang đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, và mong rằng, các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam sẽ ngày càng thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Trong khi đó, JETRO cũng thông tin, đã và sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Về phía Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, điển hình như: Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19… Cùng với đó, đã đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, thuận lợi. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác với các cơ quan Nhật Bản, để tạo điều kiện tốt nhất, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về môi trường đầu tư, nhằm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Ông Toru Aguin - Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản: Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh trong ngành điện tử, nguồn nhân lực chất lượng cao… vì vậy sẽ là điểm đến đầu tư an toàn của các doanh nghiệp Nhật Bản. |