Việt Nam trước ngưỡng cửa blockchain và trí tuệ nhân tạo
Việt Nam được đánh giá có thể trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới, là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nắm bắt các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... từ đó tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc. Lợi thế lớn là người Việt rất thông minh, cần cù, sáng tạo. từ đó tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc.
Nở rộ nghiên cứu, ứng dụng AI
Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ trong nước đã có những bước khởi đầu nghiên cứu và ứng dụng AI để nhanh chóng hoà nhập vào xu thế chung của thế giới.
Nhiều nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo được triển khai trong thời gian qua tại Việt Nam |
Tháng 6/2017, Tập đoàn FPT công bố ra mắt nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo để các lập trình viên tạo ra giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên. Bên cạnh đó, FPT còn xây dựng nền tảng để dùng AI, cảm nhận AI và tạo ra các sản phẩm AI thực tế”. Tháng 7/2018 vừa qua, FPT công bố đã mua được siêu máy tính NVIDIA DGX-1 phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI.
Vingroup mới đây cũng thể hiện tham vọng trong lĩnh vực AI khi công bố thành lập Công ty VinTech chuyên tập trung nghiên cứu AI, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty này cũng đã thành lập hai viện trực thuộc là Viện nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).
Một tên tuổi khác của làng công nghệ là Zalo cũng tập trung nghiên cứu và phát triển AI từ năm 2017. Theo những gì đã công bố, khác với việc tập trung vào phần cứng hoặc nghiên cứu các giải pháp học thuật, đơn vị này hướng tới việc tích hợp các giải pháp AI vào bên trong các ứng dụng của mình để giải quyết các nhu cầu thực tế của người dùng.
Bên cạnh sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty hàng đầu Việt Nam, nhiều công ty chuyên về nghiên cứu, ứng dụng AI cũng đã được thành lập và đạt được những bước tiến bộ nhất định. Một trong những ứng dụng AI được sử dụng khá phổ biến hiện nay là "Trợ lý ảo" (chatbot) cho các tổ chức, doanh nghiệp đang làm thay đổi cách tương tác với khách hàng...
Ứng dụng blockchain trong truy xuất nông sản
Không chỉ riêng AI, nhiều doanh nghiệp Việt cũng tiến tới nắm bắt, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là trong truy xuất nguồn gốc nông sản.
Blockchain đã được ứng dụng vào truy xuất nguồn gốc trái thanh long, trái xoài... ở Việt Nam |
Nông sản Việt tuy đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, song giá trị xuất khẩu chưa thực sự cao. Lý do là thiếu thông tin về thị trường, chất lượng không đồng đều, bởi công nghệ chế biến, quản lý chất lượng, cũng như bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa đạt hiệu quả tối ưu. Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản đã mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2018, một số sản phẩm nông sản như xoài, thanh long... xuất khẩu của Việt Nam đã được ứng dụng công nghệ blockchain, đem lại giá trị cao và thương hiệu đặc trưng của nông sản Việt.
Muốn phát triển blockchain, AI, cần phải có dữ liệu
Ứng dụng blockchain và AI hiện đã có một số hiệu quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo giới chuyên gia để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, Việt Nam cần dữ liệu và kết nối dữ liệu.
Tiến sỹ Lê Viết Quốc, hiện đang làm việc tại Google Brain đánh giá, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng trong phát triển công nghệ thông tin, các công nghệ mới như AI, blockchain - yếu tố được coi là “trái tim” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhưng đang thiếu nhiều “vật liệu” để xây dựng. Trong đó nhà nước và doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nguồn dữ liệu mở.
Muốn phát triển AI, blockchain... cần có nguồn dữ liệu tốt |
Xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) đang là định hướng của các quốc gia phát triển trên thế giới. Mới đây, Trung Quốc tuyên bố thiết lập hệ thống xếp hạng công dân dựa trên việc giám sát hành vi của người dân và xếp hạng theo điểm "tín nhiệm xã hội" vào năm 2020. Hệ thống này được xây dựng nhờ toàn bộ dữ liệu cá nhân người dân trong mọi mặt của cuộc sống.
Dự án này vẫn còn gây nhiều ý kiến trái chiều giữa người dân và các chuyên gia, tuy nhiên, điều này một lần nữa chứng tỏ việc dữ liệu có thể quyết định cuộc sống của con người. Hay có thể nói quản lý dữ liệu là trọng yếu trong việc nắm bắt và kiến tạo giá trị.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, dữ liệu đóng vai trò quyết định trong việc ứng dụng AI thành công hay thất bại. Dữ liệu là nguồn "dầu mỏ" cực quý giá của những người làm AI, nhất là người làm AI tại Việt Nam.
"Những dữ liệu cá nhân người Việt hầu hết đều nằm trong tay các công ty nước ngoài, do chúng ta dùng nền tảng chia sẻ dữ liệu là của nước ngoài như Facebook, Google... Hay nói cách khác, chúng ta nộp không dữ liệu người Việt cho họ. Đến khi các doanh nghiệp Việt muốn dùng những dữ liệu đó thì lại phải trả phí. Đây là điều bất hợp lý đang xảy ra", ông Hoài cho biết.
Đồng quan điểm ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs cho hay, dữ liệu đóng vai trò thiết yếu trong ứng dụng công nghệ blockchain. Nếu dữ liệu chính xác cộng thêm ứng dụng blockchain mang đến hiệu quả cao, ngược lại, dữ liệu thiếu, không chính xác có thể gây mất thời gian, tốn kém và giảm hiệu quả kinh tế.
Giới chuyên gia nhận định, nếu không có dữ liệu hoặc tệ hơn là không đủ khả năng quản trị dữ liệu, kỳ vọng ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot... trong xây dựng kinh tế số, chính phủ số... có thể trở thành bất khả thi.
Xây dựng hành lang pháp lý cho tiếp cận dữ liệu mở
Tại Nghị quyết 23 về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tư Pháp đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của công nghệ mới như blockchain, AI...
Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý công nghệ blockchain, phát huy tối đa tiềm năng công nghệ này cho phát triển kinh tế, xã hội |
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, nguồn dữ liệu về dân cư, dữ liệu đất đai, thổ nhưỡng có độ mở nhất định để các doanh nghiệp tiếp cận, phục vụ nghiên cứu phát triển sẽ là nguồn tài nguyên vô giá.
Trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra với doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt khi phát triển các sản phẩm mới? Ông Phạm Hồng Quất cho biết, đơn vị này đang tiến hành tổng hợp các đề xuất từ các startup, địa phương để chuyển cho các bộ, ngành liên quan. Từ đó đề xuất các cơ chế đặc thù lên Thủ tướng. Theo ông Quất các chính sách này có thể được ban hành từ 2019, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các startup Việt.
Trước đó, tại diễn đàn Blockchain "Tầm nhìn và Xu hướng phát triển" diễn ra hồi tháng 6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý công nghệ blockchain, phát huy tối đa tiềm năng công nghệ này cho phát triển kinh tế, xã hội nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cũng cam kết hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử, chương trình KH&CN về Cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà Bộ KH&CN đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.