Thúc đẩy thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại - đầu tư đã được ký kết
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Bùi Văn Thành - Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Trưởng Văn phòng luật sư Mặt trời mới - một trong những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư - cho rằng: Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân từ ngày 18 - 20/8/2024 sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực đến quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại song phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Dự án của nhà đầu tư Trung Quốc tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: KBC |
Cũng theo ông Bùi Văn Thành, Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định song phương về đầu tư và thương mại, xây dựng cơ sở pháp lý cho hợp tác lâu dài giữa hai nước, như: Hiệp định Thương mại Việt - Trung năm 1991; Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc về khuyến khích và bảo hộ và đầu tư năm 1992; Hiệp định Trung Quốc - Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập năm 1995; Hiệp định Mua bán hàng hoá ở vùng biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc năm 1998; Hiệp định về lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật Việt Nam - Trung Quốc năm 2007; năm 2021 ký kết Bản ghi nhớ về việc thành lập tổ công tác thuận lợi hóa thương mại Trung Quốc - Việt Nam....
Luật sư Bùi Văn Thành – Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam. Ảnh: NH |
Khi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong tuyên bố chung, hai bên đồng ý cùng nâng cao lòng tin chính trị, tăng cường hợp tác thực chất, áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ lĩnh vực dịch vụ và sản xuất tiêu dùng, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất hai nước an toàn ổn định. Tuyên bố chung này bao hàm nhiều lĩnh vực, trong đó nội dung chủ yếu về phương diện hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư.
“Nhằm kiên trì hợp tác cùng thắng, phục vụ sự phát triển của hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới phục hồi, tăng trưởng bền vững, hai bên sẽ tăng cường các cơ chế hợp tác tương ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, ngành giao thông vận tải” – ông Bùi Văn Thành cho biết thêm.
Cơ hội hợp tác rộng mở hơn với RCEP
Đại diện VIPFA cho rằng, RCEP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm dân số hơn 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và tổng khối lượng kinh tế là 29 nghìn tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Động lực phát triển kinh tế khu vực RCEP đang mạnh mẽ, các nước thành viên đều là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, có nhu cầu tiêu dùng cao và tiềm năng thị trường rất lớn. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp, chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút FDI từ Trung Quốc. Ảnh: NH |
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2022 dự báo rằng, dưới tác động tích cực của RCEP, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030. Điều này sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu.
Ngoài ra, theo quy định cộng dồn xuất xứ RCEP, khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước thành viên RCEP khác, hàng hóa trung gian từ nhiều nước thành viên có thể được tính vào tiêu chuẩn giá trị gia tăng để đạt đến một tỷ lệ nhất định trong tổng giá trị cuối cùng. Việc thuận lợi hóa thủ tục hải quan và nới lỏng chính sách, thương mại trở nên thuận tiện hơn, các rào cản đối với xuất khẩu đã được dỡ bỏ, chi phí vận chuyển và lưu kho sẽ giảm, cho phép các công ty Việt Nam tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu.
“Hiện nay đã có hơn 30 loại hình vận chuyển hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc. Doanh nghiệp hai nước đã tận dụng lợi thế về địa lý, áp dụng các phương thức vận chuyển đa dạng như đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt để từng bước thúc đẩy xuất khẩu. Triển vọng thị trường của cả hai bên rất rộng lớn trong tương lai” – ông Bùi Văn Thành cho biết thêm.
Cũng theo ông Bùi Văn Thành: Số dự án và vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam của các nước thành viên RCEP chiếm 65,7% tổng vốn FDI đăng ký của Việt Nam, trong đó đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam, bao gồm chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, trong đó có những dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có quy mô lớn.
Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã chủ động thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tối ưu hóa môi trường kinh doanh....Trong thời gian tới Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đáng tin cậy và lâu dài cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc. Các ngành như viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ số, sản phẩm xanh sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ausatralia và New Zealand, hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. |